Miệng thế gian

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 02/03/2017 05:09:00 PM - Lượt xem: 333 lượt xem.

Thế gian mỗi người có một cái miệng. Cái miệng là để ăn, để nói. Và cái miệng nói gì là quyền của nó, chẳng ai có thể can thiệp được. Kho tàng chữ nghĩa dân gian tích lũy từ bao đời nay được hình thành từ chính những cái miệng ấy.

Ảnh: Thái Nguyễn

Chương trình Sách hay mỗi ngày hôm nay giới thiệu đến các bạn một cuốn sách đặc biệt: Miệng thế gian của tác giả Nghiêm Minh. Cuốn sách là kết quả của quá trình sưu tầm, kê cứu, chọn lựa ra những ngôn từ mới trong kho tàng chữ nghĩa dân gian Việt Nam.

Gần 855 mục từ ngữ, thành ngữ, ca dao, tục ngữ được giới thiệu trong Miệng thế gian. Rồi những bài đồng giao, những lời hát dân gian cải biên cũng được chắt lọc và giới thiệu trong cuốn sách này.

Chúng ta sẽ bắt gặp trong cuốn sách này những từ ngữ vô cùng thân thuộc. Thế nhưng đa số mọi người lại chưa thực sự hiểu rõ về nó.

Cụm từ “Buôn dưa lê” được tác giả giải thích: Buôn là buôn bán, lê là ngồi lê la chỗ này chỗ khác. Buôn dưa lê là lê la chỗ này chỗ khác hóng chuyện rồi đi kể cho người khác nghe. Chuyện buôn bán ở đây ám chỉ những chuyện không hay, nói xấu người này, kể tật người kia, ít xít ra nhiều…

Chúng ta cũng hay nghe mọi người nói “Xe căng hải”. Nói cho nó sang, cho có vẻ Tây, Tàu chứ chẳng có xe nào cả. Đi bộ đấy. Xe căng hải nói lái là hai cẳng, tức đi bằng hai chân.

Chín – sáu – ba – không cũng là cụm từ chúng ta nghe hàng ngày. Cụm từ này dùng để chỉ những người có bộ răng khấp khểnh, không đều. Nhưng nguồn gốc của cụm từ này thì có lẽ ít người biết. Chín – sáu – ba – không là một loại đội hình trong đồng diễn thể dục. Theo đội hình này thì ai số 9 thì bước lên 9 bước… ai số không thì đứng nguyên tại chỗ. Về khía cạnh tếu tếu thì dội hình này nhìn khấp kha khấp khểnh nên được dùng để gọi tên cho những hàm răng không đẹp.

Còn rất nhiều những từ, cụm từ đặc biệt được tác giả lý giải trong cuốn sách: Chân chữ A miệng chữ O, Lên bờ xuống ruộng, Tự nhiên như ruồi, Viêm cánh, Viêm màng túi, Vắt chanh bỏ vỏ, Tăng xin giảm mua, tích cực cầm nhầm…

Tất cả những từ ngữ trong cuốn sách đều được tác giả giải thích cụ thể, chi tiết về ngữ nghĩa. Đồng thời, mỗi mục từ đều được bổ khuyết những sự kiện, điển tích, điển cố có liên quan cho rõ nghĩa. Ví dụ như với mục từ Sở Khanh, tác giả đã dẫn ra đây là một nhân vật trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, là một gã ăn chơi, dâm loạn. Vì vậy, Sở Khanh đã thành cái tên chung cho những kẻ chuyên lừa tình phụ nữ.

Hay với mục từ Chửi mất gà, tác giả Nghiêm Minh đã trích dẫn ra cả một bài chửi rất dài để minh họa cho nội dung chữ nghĩa:

“Ới… làng trên xóm dưới, bên ngược bên xuôi, tôi có con gà mái vàng. Sáng nay tôi còn cho nó ăn, thế mà bây giờ nó bị mất! Ai bắt được thì cho tôi xin, nếu không trả thì tôi chửi cho mà nghe đấy…ấy…ấy!

Hôm nay bà chửi một bài, ngày mai bà sẽ chửi hai lần liền. Bà chửi cho mày hóa điên, bà rủa suốt tháng liên miên không ngừng. Bây giờ bà mệt quá chừng, bà về cơm nước nhớ đừng quên a… Muốn sống thì thả gà ra, lạy bà hai lạy bà tha cho mày”.

Đọc xong cuốn sách này, chắc chắn vốn từ ngữ dân gian của bạn sẽ vô cùng phong phú. Không chỉ biết để sử dụng linh hoạt trong cuộc sống hàng ngày mà chúng ta còn hiểu được tường tận ngữ nghĩa của nó. Thậm chí, nhiều mục từ tác giả còn có tranh ảnh minh họa để người đọc hiểu cặn kẽ, chính xác từ ngữ được giới thiệu. Chẳng có lý do gì để chúng ta không cầm cuốn sách này lên, vừa để biết miệng thế gian thế nào, vừa để góp phần vào thế gian ấy.

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn