Lá cờ thêu sáu chữ vàng

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 09/08/2017 05:15:00 PM - Lượt xem: 1662 lượt xem.

Trần Quốc Toản đã đi vào lịch sử Việt Nam với lòng dũng cảm và tinh thần yêu nước, dám hy sinh mạng sống vì dân tộc. Trong tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”nổi tiếng của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã đưa hình ảnh người anh hùng nhỏ tuổi này đến gần hơn với các độc giả. Cuốn sách được xuất bản lần đầu từ năm 1960 và mới đây, NXB Kim Đồng đã tái bản cuốn sách sau hơn nửa thế kỷ đi vào lòng các bạn trẻ. Điểm đặc biệt của cuốn sách là những hình minh họa màu sinh động, giúp tái hiện một thời kỳ hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Ảnh: Thái Nguyễn

Lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược lần thứ hai nhưng tác phẩm có rất ít yếu tố lịch sử mà chủ yếu là sự tưởng tượng và sáng tạo của tác giả. Nguyễn Huy Tưởng đã vẽ nên bức tranh rộng mở về cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai do đích thân Trần Hưng Đạo điều binh khiển tướng.  Với góc nhìn của người viết dã sử, ông đã “cho” Trần Quốc Toản xuống bến Bình Than xin chủ chiến, và được ban trái cam rồi chàng đã bóp nát lúc nào không biết.

Lòng yêu nước và khát vọng được chiến đấu, được hi sinh vì quê hương, có bao giờ đợi tuổi? Quả cam hôm nào bị bóp nát trên tay Trần Quốc Toản là một chứng minh đầy sống động cho sự căm tức vì tinh thần yêu nước bị xem thường. Trần Quốc Toản cả giận bởi chí dũng ngất trời không được mọi người thấu tỏ, lại xấu hổ cho tuổi đời còn quá trẻ đã khiến mình không được đứng vào hàng ngũ đoàn quân vệ quốc. Vì thế, chàng đã tự trở về tập hợp lực lượng, ngày đêm luyện tập võ nghệ. Đội quân ấy đã trở thành một đội quân thiện chiến bậc nhất, luôn sát cánh với quân chủ lực của triều đình, lập nên bao chiến công hiển hách.

Nguyễn Huy Tưởng đã đưa nhân vật trung tâm Trần Quốc Toản cùng với lá cờ đỏ thêu sáu chữ vàng: “Phá cường địch báo hoàng ân” vào hai địa bàn chiến trận. Đó là cuộc chiến diễn ra ở miền núi, với sự sát cánh cùng anh em Thế Lộc ở trại Ma Lục; và cuộc chiến diễn ra trên sông cùng với đại quân nhà Trần do Trần Nhật Duật chỉ huy. Trên hai không gian mang đặc thù cảnh quan của đất nước Việt Nam, hiện lên chân dung oanh liệt của một nhân vật lịch sử nhỏ tuổi.

Cuốn sách đã mang lại cho tôi nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó là sự khâm phục, ngưỡng mộ tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của Trần Quốc Toản. Là sự cảm động  trước tình mẹ con, chú cháu, vua tôi cùng trên dưới, một lòng. Đó còn là sự hả hê, vui sướng khi quân giặc phải chịu thất bại thảm hại và bị khuất phục bởi tinh thần đoàn kết, đồng tâm hiệp lực của quân nhân nhà Trần. Những giá trị cốt lõi này vẫn còn nguyên giá trị. Bởi có tinh thần đoàn kết của cả dân tộc thì dù kẻ địch mạnh đến đâu chúng ta vẫn có thể đánh thắng.

  Lá cờ thêu sáu chữ vàng là tác phẩm cuối cùng được  Nguyễn Huy Tưởng viết ngay trên giường bệnh, để rồi sau này tác phẩm ấy không chỉ làm rung động bao trái tim bạn trẻ trong nước mà còn được các bạn nhỏ trên khắp thế giới đón nhận nồng nhiệt. Thậm chí hào khí dân tộc của cậu thiếu niên Trần Quốc Toản trong thời đại ngày nay vẫn có sức tác động mạnh mẽ đến thế hệ trẻ. Trong tác phẩm "Lịch sử nước ta" Hồ Chí Minh có ca ngợi về Trần Quốc Toản: Quốc Toản là trẻ có tài,

Mới mười sáu tuổi ra oai trận tiền,

Mấy lần đánh thắng quân Nguyên,

Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung

Thật là một đấng anh hùng,

Trẻ con Nam Việt nên cùng noi theo.

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn