Điểm tin ngày 26/03/2020

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 26/03/2020 10:06:00 AM - Lượt xem: 34 lượt xem.

Xin mời anh chị em và các bạn đến với một số thông tin đáng chú ý ngày hôm nay.

Ảnh: Thái Nguyễn

Trước tình hình an ninh đời sống, kinh tế toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, và trực tiếp ảnh hưởng tới sự sống còn của các doanh nghiệp trong ngành Dệt May Việt Nam, ngày 25/3, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến 22 đơn vị trọng yếu và cơ quan điều hành Tập đoàn để xem xét, nhận định tình hình khẩn cấp và đề ra giải pháp. Báo Kinh tế và Đô thị có bài viết: “Vinatex nguy cơ thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì dịch Covid-19.”

http://kinhtedothi.vn/vinatex-nguy-co-thiet-hai-hang-tram-ty-dong-vi-dich-covid-19-378842.html

Trong thời gian từ trung tuần tháng 3/2020 liên tiếp có những đơn hàng xuất khẩu bị hủy, dừng, tạm ngừng, dẫn đến tình trạng hầu hết các đơn vị thiếu việc làm trong tháng 4 và tháng 5/2020. Dự đoán tình hình thị trường nội địa cũng sẽ sụt giảm khi kinh tế tăng chậm.

Tình hình này dẫn đến áp lực lớn lên các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam cả về tài chính và lao động. Thiệt hại ước tính với ngành dệt may Việt Nam lên tới trên 5.000 tỷ đồng nếu 30% công nhân thiếu việc làm trong tháng 4/2020 và 50% công nhân thiếu việc làm trong tháng 5/2020 (riêng Vinatex ước tính thiệt hại 403 tỷ đồng).

Tập đoàn đưa ra giả thiết, nếu dịch Covid-19 kết thúc cuối tháng 5, và kinh tế phục hồi từ tháng 6/2020 thì ước tính ngành dệt may Việt Nam thiệt hại 11.000 tỷ đồng, và Tập đoàn sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng.

Các giải pháp trọng tâm mà Vinatex đặt ra cho 22 đơn vị trọng yếu gồm: Tận dụng cơ hội tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch như khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt; Áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm xuống còn khoảng 32h - 40h/tuần, làm việc luân phiên, trên cơ sở thảo luận thống nhất với người lao động. Tập trung tuyên truyền cho người lao động về khó khăn bất khả kháng, cùng chia sẻ với DN để vượt khó; Tiết giảm chi phí, hoãn đầu tư, giảm lương khối gián tiếp tương ứng với công nhân trực tiếp; xin miễn, hoãn đóng BHXH, BH thất nghiệp, phí công đoàn…

Ngày 18 và 19/3, hai nữ điều dưỡng làm việc ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc Bệnh viện Bạch Mai được phát hiện dương tính với Covid-19. Báo Nhân dân đưa tin: “Người dân đến Bệnh viện Bạch Mai trong vòng 14 ngày qua phải tự cách ly”.

https://nhandan.com.vn/y-te/tin-tuc/item/43774202-nguoi-dan-den-benh-vien-bach-mai-trong-vong-14-ngay-qua-phai-tu-cach-ly.html

UBND thành phố Hà Nội giao Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid- 19 thành phố Hà Nội thông báo ngay cho người dân đã đến Bệnh viện Bạch Mai trong 14 ngày qua để tự cách ly y tế và theo dõi sức khỏe, thông báo cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế khi có biểu hiện nghi mắc bệnh.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, không để dịch bùng phát, trên cơ sở đề xuất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và Sở Y tế, UBND thành phố Hà Nội báo cáo và đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khử khuẩn toàn bộ bệnh viện thường xuyên, có thể đề nghị Bộ Tư lệnh Hóa học hỗ trợ Bệnh viện Bạch Mai có giải pháp thực hiện xét nghiệm toàn bộ nhân viên, cán bộ y tế và người bệnh đang điều trị tại bệnh viện.

Các chuyên gia y tế Tai Mũi Họng tới từ Mỹ và Anh mới đây khẳng định ngày càng xuất hiện thêm nhiều bằng chứng cho thấy một số bệnh nhân sau khi mắc Covid-19 mất đi khả năng cảm nhận mùi vị. Báo điện tử VTC News đưa tin: “Các chuyên gia cho rằng mất vị giác và khứu giác có thể là một triệu chứng tiềm tàng của bệnh nhân mắc Covid-19”.

https://vtc.vn/song-ket-noi/dot-ngot-mat-khuu-giac-va-vi-giac-co-the-la-trieu-chung-nhiem-covid-19-ar535767.html

Ở Hàn Quốc, 30% bệnh nhân được xác nhận mang mầm bệnh nói họ mất đi khả năng cảm nhận mùi vị. Một số bệnh nhân ở Trung Quốc, Italy và Đức cũng ghi nhận các biểu hiện tương tự.

WHO hiện không thống kê tình trạng mất cảm nhận mùi vị vào danh sách các triệu chứng phổ biến của Covid-19. Nhưng các nhà khoa học cho rằng những nghiên cứu mới cũng như chia sẻ từ các bệnh nhân cho thấy cần đưa triệu chứng này vào danh sách dấu hiệu để sàng lọc và xét nghiệm các ca nghi nhiễm.

Một nhà virus học người Đức cũng cho biết 2/3 trong số các bệnh nhân mà ông phỏng vấn ở Đức nói họ bị mất mùi đột ngột và tình trạng này kéo dài trong vài ngày.

S 1959 (Tổng hợp)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn