Báo điện tử Vietnamplus có bài: Xanh hóa dệt may: Thiếu chiến lược bài bản sẽ dần mất đi năng lực cạnh tranh.
https://www.vietnamplus.vn/xanh-hoa-det-may-thieu-chien-luoc-bai-ban-se-dan-mat-di-nang-luc-canh-tranh-post908861.vnp
Theo Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex): Xanh hóa là xu thế trung và dài hạn. Xu hướng này cho thấy thế giới, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hướng đến trách nhiệm chung bảo vệ môi trường, bảo vệ trái đất. Những yêu cầu về Xanh hóa mang tính định tính đang được cụ thể hoá qua các chính sách mang tính định lượng như thông qua các sắc thuế, chính sách với nhà sản xuất, người tiêu dùng, thuế xử lý chất thải, khí thải…
Thách thức lớn nhất chính là ở chỗ quy mô thị trường về mặt số lượng có nguy cơ giảm; yêu cầu về chất lượng, trong đó đặc biệt yếu tố ảnh hưởng môi trường của sản phẩm ngày càng được nhấn mạnh đưa là tiêu chuẩn, vừa là tiêu chuẩn phi tài chính để lựa chọn nhà cung cấp vừa là sắc thuế tài chính nhằm hạn chế lượng tiêu dùng.
Nhà sản xuất hiện nay phải đối diện với thách thức bao gồm cả xử lý thay đổi công nghệ và việc từng bước tối ưu hóa quy mô sản xuất cho phù hợp với nhu cầu thị trường. Tất cả những điều này đều mang tính trung hạn và dài hạn và là chi phí mang tính đầu tư nên thời điểm quyết định đầu tư rất quan trọng.
Câu hỏi đặt ra là lúc nào làm, làm từng bước, làm khâu nào hay làm theo thứ tự nào? Câu trả lời chỉ có ở từng doanh nghiệp.
Trước hết, cần hiểu khung nghiên cứu là gì để hình thành Chiến lược Xanh hóa như cấu thành cốt lõi trong chiến lược kinh doanh từ nay đến 2030. Nếu đầu tư thay thế, ưu tiên trong ngắn hạn là đầu tư những cái tới hạn đổi mới thì bắt buộc phải nghiên cứu thay thế để đáp ứng yêu cầu mới: Xanh hơn, sạch hơn, ít lao động hơn và tạo sản phẩm chất lượng tốt hơn, tuổi thọ dài hơn.
Với doanh nghiệp đầu tư mới mang tính mở rộng phải hết sức cân nhắc để tốc độ đầu tư phù hợp với tốc độ trở lại của thị trường, trong khi dự báo cho thấy thị trường năm 2024 chưa có sự bứt phá trở lại thì nên đầu tư như thế nào? Theo tôi, doanh nghiệp cần bám sát thị trường, khách hàng để có chiến lược phù hợp, bởi câu chuyện Xanh hóa dệt may sẽ không thể có câu trả lời chung cho tất cả doanh nghiệp – Ông Trường cho biết.
Báo Sức khỏe đời sống có bài: Trẻ 14 tuổi phải nhập viện điều trị vì rối loạn học tập.
https://suckhoedoisong.vn/tre-14-tuoi-phai-nhap-vien-dieu-tri-vi-roi-loan-hoc-tap-169231121065933304.htm
Theo BSCK II Nguyễn Hoàng Yến, Phòng Tâm thần Nhi - Thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, rối loạn học tập là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành tích học tập kém.
Biểu hiện của rối loạn học tập bao gồm: trẻ bị chậm nói, khó nói, chậm học màu sắc và chữ cái. Ở bậc học tiểu học, trẻ nhận diện mặt chữ kém, khó ghép vần. Ở cấp trung học, bệnh nhân khó khăn về ngôn ngữ diễn đạt, diễn đạt kém, suy giảm trí nhớ... Các triệu chứng này kéo dài ít nhất 6 tháng, mặc dù đã can thiệp.
Trẻ bị rối loạn học tập chỉ có thể gặp khó khăn trên một phương diện, như: đọc, viết, tính toán, nhưng các thông số về trí tuệ, khả năng tương tác của trẻ hoàn toàn bình thường.
Theo các chuyên gia, cũng có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn học tập ở trẻ, trong đó có cả yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Giống như rối loạn phát triển khác, việc can thiệp là cả quá trình cần có sự hỗ trợ liên tục, kéo dài, bao gồm sự tham gia của bác sĩ tâm thần, bác sĩ chuyên khoa/chuyên gia ngôn ngữ, tâm lý, giáo dục... để hỗ trợ trẻ giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của rối loạn.
"Khi có dấu hiệu nghi ngờ, cha mẹ nên đưa con đi khám để được chẩn đoán sớm. Phát hiện càng sớm càng giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực đối với người bệnh"- BS Yến nhấn mạnh.
Báo điện tử VTCNews có bài: Người bệnh sốt xuất huyết trở nặng, tử vong vì chủ quan 'hết sốt là hết bệnh.
https://vtc.vn/nguoi-benh-sot-xuat-huyet-tro-nang-tu-vong-vi-chu-quan-het-sot-la-het-benh-ar834960.html
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sai lầm nguy hiểm sau giai đoạn đầu của bệnh là thấy cắt cơn sốt nhiều người chủ quan nghĩ đã khỏi bệnh, mà không biết rằng đây là giai đoạn bệnh có nguy cơ chuyển biến nặng cao nhất.
Lúc này người bệnh có thể bị thoát huyết tương, tăng thấm thành mạch, xuất hiện dấu hiệu cảnh báo khác như xuất huyết dưới da, chảy máu cam. Người bệnh cần được theo dõi sát và nghỉ ngơi tuyệt đối, hạn chế vận động mạnh, đi lại nhiều. Nếu có dấu hiệu như chảy máu chân răng, nôn ra máu, đau bụng, bồn chồn, vật vã, mọi người nên đến viện nhanh chóng.
Thông thường, diễn biến của bệnh nhận sốt xuất huyết xảy ra trong vòng 10 ngày. Từ ngày 1 đến ngày 3, nếu bệnh nhân đến khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ hướng dẫn theo dõi tại nhà bằng việc đo nhiệt độ, bù nước điện giải, chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 thường là thời gian bệnh diễn biến nặng, tiểu cầu giảm, mất nước, sốc. Những ngày này, bác sĩ sẽ theo dõi sát bệnh nhân.
S1959
"
" style="
">
Từ khóa: