Covid-19 và tình hình lao động, việc làm

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 02/06/2021 05:49:00 PM - Lượt xem: 81 lượt xem.

Đã hơn 01 năm kể từ khi dịch Covid-19 diễn ra, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc buộc phải dùng đến phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm giảm thu nhập…

Ảnh: Internet

Theo nhiều dự báo, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có những tác động nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, kéo theo đó là những nguy cơ về thất nghiệp, thiếu hụt việc làm. Số liệu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy đại dịch COVID-19 gây tổn thất khoảng 81 triệu việc làm trên thế giới trong năm 2020, thất nghiệp tăng từ 4,1% (năm 2019) lên mức 5,2 - 5,7% .

Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong quý đầu năm 2021, cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng của dịch Covid 19. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Cụ thể, số người lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý I năm 2021 là 971,4 nghìn người.

Dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ. Chỉ 5 tháng đầu năm, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp đóng cửa, tạm dừng hoạt động hoặc giải thể. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng và phải cân nhắc nhiều giải pháp để tồn tại, trong đó có cắt giảm lao động nhằm tiết giảm chi phí. Hàng chục triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, nhiều người không may mất việc làm. Nhiều người khác lại phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm. Hầu hết lao động, thu nhập đều giảm từ 10% và mang theo nỗi sợ hãi "mất việc làm".

Năm 2020, dịch Covid-19 đã đẩy 1,3 triệu người lao động vào tình trạng không có việc làm, trong đó đa phần người mất việc trong độ tuổi lao động. Có rất nhiều doanh nghiệp đang cố gắng giữ việc làm cho người lao động thông qua việc sắp xếp lại thời gian, giãn việc, tận dụng cơ hội để kinh doanh các sản phẩm mà người tiêu dùng đang cần nhằm tạo thêm việc làm mới. Điển hình trong đó là sự thích ứng kịp thời của các doanh nghiệp ngành Dệt may trong chuyển đổi sản phẩm, tổ chức sản xuất, mở khóa đào tạo tay nghề công nhân nhằm tăng năng suất lao động... Đồng thời, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thay vì chỉ tập trung vào một số thị trường như trước đây. Để vượt qua cơn nguy, ổn định việc làm cho lao động, các doanh nghiệp dệt may đã đi bằng nhiều cách khác nhau. Nhanh chóng chuyển đổi, thích ứng trong đại dịch Covid-19 đã giúp xuất khẩu của ngành dệt may đạt kết quả tích cực trong năm 2020.

Với May 10, để trụ vững được như hiện tại, Tổng Giám đốc Thân Đức Việt cùng Ban lãnh đạo TCT May 10 luôn đau đáu với những câu hỏi: Làm thế nào để duy trì việc làm cho 12 nghìn lao động, làm sao để duy trì dòng tiền, nguồn cung khi thị trường sụt giảm; làm sao để vừa duy trì sản xuất kinh doanh vừa phòng, chống dịch... Với tinh thần vượt khó, thống nhất, đoàn kết từ lãnh đạo cao nhất xuống người lao động, đồng thời duy trì văn hoá kỷ luật trong quân đội đã giúp May 10 đứng vững trong đại dịch.

Đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, TCT May 10 đã nhanh chóng chớp thời cơ, chuyển đổi một phần năng lực của các đơn vị sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn; bộ đồ phòng dịch; thành lập Xí nghiệp Sản xuất Trang thiết bị y tế để sản xuất khẩu trang y tế, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thế giới, bù đắp vào sự thiếu hụt đơn hàng thời trang truyền thống. Từ quý II/2020, ngoài mặt hàng truyền thống là sơ mi và veston, TCT May 10 cũng đã chuyển đổi sang một số mặt hàng khác như bộ quần áo thường phục, sản phẩm vải dệt kim như áo T-shirt, polo shirt, quần kaki, bộ đồ ngủ; chính vì vậy lượng hàng được bù đắp. May 10 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh để ổn định công việc và đời sống của CBCNV. Cho đến nay chưa có ca bệnh Covid-19 nào tại TCT May 10, người lao động vẫn được tạo đầy đủ việc làm, thu nhập không bị ảnh hưởng nhiều, môi trường làm việc an toàn...

Những tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp dệt may đang quay lại guồng sản xuất khi nhận được nhiều đơn hàng. Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, trong bốn tháng đầu năm 2021, xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 cũng đang cho thấy sự phục hồi. Thị trường Dệt may đã có những khởi sắc hơn nhờ việc các nước bắt đầu đưa vắc-xin vào tiêm phòng cho người dân. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là trong năm 2020 Việt Nam đã tham gia một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Dịch COVID-19 cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, người lao động thay đổi suy nghĩ, cách thức làm việc để thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế. Đối với May 10, từ đầu năm 2021 đến nay, khách hàng đặt hàng gia tăng, lượng hàng xuất khẩu đều tăng so với năng lực sản xuất của TCT.

Dịch COVID-19 trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng không có việc làm; đồng thời, buộc nhiều người phải trở thành lao động có việc làm phi chính thức. Đứng ở góc độ người lao động, thật sự thời điểm này những ai còn được đi làm, còn có thu nhập ổn định, đó là một may mắn lớn.

Hồng Hạnh

 

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn