Cao điểm cuối cùng

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 14/11/2017 05:36:00 PM - Lượt xem: 176 lượt xem.

Là một cán bộ quân đội, Hữu Mai đã có mặt tại Điện Biên Phủ từ những ngày “Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm com vắt”. Tác giả đã dựng lại trong “Cao điểm cuối cùng” cuộc chiến đấu trên đồi A1, nơi được gọi là “chiếc chìa khoá sống của Điện Biên Phủ”.

Ảnh: Thái Nguyễn

Ngày đó, cuộc chiến tranh đã đặt quân dân ta trước nhiệm vụ vượt rất xa sức mình. Trước chiến dịch, bộ đội ta mới chỉ đánh những cứ điểm nhỏ. Đến Điện Biên Phủ, chúng ta phải đánh một tập đoàn cứ điểm với 40 tiểu đoàn. “Chúng còn dựng lên cả một hàng rào lửa. Cả thung lũng Mường Thanh sôi lên ầm ầm”, “Không gian rung rinh vì tiếng máy bay”.

Có lẽ, cũng chưa có cuốn tiểu thuyết nào trong văn học Việt Nam đã mạnh dạn miêu tả tổn thất của bộ đội như tác phẩm này: “Dưới chiến hào, thương binh tử sĩ chặt như nêm”,“Họ đưa tay lên xoa mặt, tưởng là bị bùn đánh bắn vào, chợt nhận ra đấy chỉ là mảnh thi thể nát vụn của đồng đội”.

Với những chiến hào bùn lầy đọng máu, chúng ta hiểu rõ giá trị của từng tấc đất, những cánh rừng hoa ban nơi các chiến sĩ chia nhau miếng củ mài, bát canh rau tàu bay, cũng như san sẻ với nhau những lo lắng và cả niềm vui chiến thắng.

Tác giả Hữu Mai đã giải thích được: vì sao những người chiến sĩ đi dép cao su như Khoẻ, Quân, Cương… đã không chịu lùi bước; Vì sao con đường đi của những người tiểu tư sản như Tuấn, Vinh có chông gai hơn, nhưng họ vẫn tới đích và lập nhiều chiến công vẻ vang….

Tác giả đã miêu tả tỉ mỉ, bằng một thái độ cảm phục những hành động dũng cảm của những người chiến sĩ vô danh. Họ là những người bị lạc khỏi đơn vị, những người được bổ sung ra mặt trận và cả những dân công địch hậu. Họ đã  nêu cao tinh thần độc lập chiến đấu và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

“Có những phút làm nên lịch sử

Có cái chết hóa thành bất tử

Có những lời hơn mọi lời ca

Có con người như chân lý sinh ra”

Câu thơ không chỉ đúng với Nguyễn Văn Trỗi mà đúng cả với những người chiến sĩ Điện Biên. Những người đã viết tiếp truyền thống của ông cha ta trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Đây cũng là lần đầu tiên có một tác phẩm đi vào miêu tả diễn biến và tâm lý từ cả hai phía: địch - ta. Về phía ta thì không thể không nhắc đến công tác tư tưởng, vấn đề tổ chức và các quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị và người chỉ huy – Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Về phía quân Pháp không chỉ có hỏa lực mạnh mà dưới mắt của binh lính Pháp, De Castries quả là một anh hùng. Như lời cô hộ lý Đờ Ga-la “luôn giữ một ấn tượng tốt đẹp về vị tướng. Sao mà một vị tướng lại có thể giản dị và thân mật với mọi người đến như thế”.

Với cuốn sách sống động về một thời Điện Biên anh hùng, tác giả đã chứng minh được thắng lợi của quân đội ta là do yếu tố “con người”, là tinh thần chiến đấu cho chính nghĩa. Bản anh hùng ca Điện Biên Phủ đã nói thêm một cách hùng hồn rằng, không có một quân đội xâm lược thiện chiến nào có thể chiến thắng và khuất phục nổi một dân tộc khi họ đã đoàn kết và quyết tâm đấu tranh vì chính nghĩa giành lại độc lập, tự do. Cuốn sách này tuy là tiểu thuyết nhưng lại “mang giá trị của một sử liệu”, xứng đáng là một trong những cuốn sách hay nhất về Điện Biên.

 

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn