Bộ sách Hướng đạo sinh

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 27/07/2017 05:14:00 PM - Lượt xem: 392 lượt xem.

“Hướng đạo sinh” của tác giả Robert Baden – Powell có thể được coi như một môn học hữu ích bổ trợ trong nhà trường. Rất nhiều các kiến thức, các kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ được tác giả hướng dẫn thông qua các trò chơi, bài tập thực hành. Từ đó, giúp xây dựng tính cách, sức khỏe và sự khéo léo của mỗi học sinh.

Ảnh: Thái Nguyễn

Ngạn ngữ phương Đông có câu: “Ta quên những gì ta nghe, ta nhớ những gì ta nghe và thấy, ta biết những gì ta làm”. Có nghĩa là để thực sự biết một điều gì đó thì ta phải thực hành, phải trải nghiệm. Đó cũng là điều mà giáo dục hiện nay đang hướng tới. Bộ sách tôi đang cầm trên tay đây: “Hướng đạo sinh” của tác giả Robert Baden – Powell có thể được coi như một môn học hữu ích bổ trợ trong nhà trường. Rất nhiều các kiến thức, các kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ được tác giả hướng dẫn thông qua các trò chơi, bài tập thực hành. Từ đó, giúp xây dựng tính cách, sức khỏe và sự khéo léo của mỗi học sinh.

Hướng đạo có nghĩa là dẫn đường. Nguyên tắc của hướng đạo sinh là các cậu bé được tự trải nghiệm ý tưởng của mình và tự mình học hỏi thay vì được dạy dỗ. Đọc “Hướng đạo sinh” các em sẽ biết rất nhiều kiến thức, kỹ năng xoay xở, quan sát và tư duy.

Bộ sách này gồm 2 tập. Tập 1 là Nghệ thuật hướng đạo ngoài trời, tập 2 là Nghệ thuật lần theo dấu vết và rèn sức chịu đựng. Đúng như tên gọi “hướng đạo ngoài trời”, thông qua các câu chuyện, các em sẽ được đến với thiên nhiên, được tự mình trải nghiệm những gì thế giới tự nhiên mang lại và học cách giải quyết những điều đó. Như trước mỗi chuyến thám hiểm, các em nên mang theo bản đồ để tự tìm đường; nếu bị lạc trong rừng các em cần lần theo dấu vết của mình để quay lại; rồi các em được hướng dẫn cách truyền tin, cách cứu người bằng thắt nút dây…

Cuốn sách “Hướng đạo sinh” đã ra đời cách đây hơn một thế kỷ - trong một không gian, bối cảnh văn hóa khác nhiều so với Việt Nam hiện nay nhưng vẫn có ý nghĩa đặc biệt. Chắc chắn rằng tất cả các em thiếu niên luôn muốn mình trở thành người có ích và vượt qua được mọi khó khăn. Đọc, hiểu và thực hành theo “Hướng đạo sinh” chính là một cách dễ dàng nhất  để các em thực hiện được mong muốn đó. Dù các em có bị lạc trong rừng hay gặp những tình huống khẩn cấp trong cuộc sống thường ngày thì chắc chắn các em sẽ giải quyết được. Nhà bị cháy, gặp người đuối nước, thấy người ngất xỉu… các em sẽ chẳng hoang mang, lo lắng mà sẽ bình tĩnh xử lý mọi việc.

Một hướng đạo sinh thì luôn phải có kỹ năng trinh thám. Tác giả Robert Baden-Powell từng nói rằng: “Một trong những điều quan trọng nhất mà một hướng đạo sinh cần phải học, cho dù anh ta là trinh sát thời chiến, là thợ săn hay hướng đạo thời bình, đó là để ý đến mọi thứ”. Nói đơn giản hơn là một hướng đạo sinh thì cần phải có khả năng quan sát một cách chi tiết, tỉ mỉ, vừa nhìn trước, nhìn sau, vừa nhìn xa, nhìn gần. Như câu chuyện của một trinh sát da đỏ. Anh ta đi qua bụi cây và thấy hai chiếc lá héo giữa những chiếc lá tươi. Anh nghi ngờ ai đó trải lá ra làm chỗ ẩn nấp, và thế là anh ta phát hiện ra vài người đào thoát.

Giáo dục Việt Nam đang chú trọng đến “dạy người” hơn chứ không chỉ “dạy chữ” hay học để làm việc và làm người chứ không phải chỉ học để biết. Điều đó vừa xuất phát từ nhu cầu xã hội, vừa xuất phát từ mong muốn của chính các phụ huynh hay học sinh. Những kiến thức trong bộ sách này không xa lạ, nó ở ngay trong cuộc sống của chúng ta. Các em hãy đọc và thực hành thường xuyên, hàng ngày để rèn thói quen tốt cho mình. Từ đó, các em sẽ  trở thành những người thực sự có ích cho xã hội, sẽ sẵn sàng và chủ động ứng phó với những vấn đề đặt ra trong cuộc sống chứ không chỉ chờ đợi và phản ứng. Đây cũng là điều mà bộ sách này hướng đến.

 

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn