Thời trang độc đáo của phụ nữ rẻo cao

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 11/03/2019 07:00:00 AM - Lượt xem: 66 lượt xem.

Vùng cao phía Bắc với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vỹ đã cuốn hút bao người. Nhưng trên những mảnh đất rẻo cao heo hút ấy, chúng ta còn bị say đắm bởi nét văn hóa bản địa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Những bộ trang phục sặc sỡ, lạ mắt hay mái tóc cầu kỳ, ấn tượng của những cô gái miền cao khiến chúng ta không thể rời mắt. Hãy cùng chúng tôi khám phá vẻ đẹp thời trang của người phụ nữ dọc biên giới phía Bắc từ dân tộc Dao Thanh Phán (Bình Liêu, Quảng Ninh), Lô Lô Hoa (Đồng Văn, Hà Giang) đến Hà Nhì Đen (Bát Xát, Lào Cai).

Tục cạo đầu đội mũ thêu hoa

Huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) là mảnh đất biên cương phía Đông Bắc của Tổ quốc. Những cung đường uốn lượn men theo đường tuần tra biên giới, đi qua nhiều cột mốc quốc gia, đưa chúng tôi đến các xã vùng cao của huyện Bình Liêu. Nơi đây có phong cảnh hoang sơ, kỳ thú hấp dẫn du khách bốn phương. Đặc biệt vào các buổi chợ phiên, lễ hội văn hóa, hay ngày mùa xuống đồng du khách còn được gặp những phụ nữ Dao Thanh Phán (PV - một nhánh trong cộng đồng dân tộc Dao ở Việt Nam) mặc những bộ trang phục và chiếc mũ đội đầu hết sức độc đáo.

Người Dao Thanh Phán rất chuộng màu đỏ, chính vì thế các trang phục và phụ kiện cho họ thường lấy màu đỏ làm chủ đạo. Nét ấn tượng nhất trong thời trang phụ nữ Dao Thanh Phán là chiếc khăn và mũ đội trên đầu. Con gái Dao Thanh Phán đến tuổi trưởng thành chưa lấy chồng, sẽ quấn trên đầu một chiếc khăn màu đỏ, in hoạ tiết hoa văn và buộc dây ở cằm, thể hiện sự thuỳ mị, nết na và duyên dáng. Với người đã có chồng thì họ cạo trọc đầu, đội một tấm khăn trắng, rồi chụp chiếc hộp có khi cao tới 40cm lên trên, rồi phủ tiếp một khăn hoạ tiết màu đỏ.

Một số người phụ nữ Dao Thanh Phán khi ra đồng còn gắn luôn chiếc ô nhỏ che mưa, che nắng trên đỉnh hộp mũ nhìn rất độc đáo, lạ mắt. Chúng tôi đều tò mò thắc mắc không hiểu vì sao phụ nữ ở nơi đây sau khi lấy chồng lại phải cạo trọc đầu. Để tỏ thắc mắc, mọi người tìm gặp bà Chíu Nhì May (73 tuổi), ở xã Đồng Văn, Bình Liêu để hỏi chuyện.

Bà May là một người phụ nữ am hiểu nét văn hóa của vùng đất này. Bà cho mọi người biết ngay đó chính là một tập tục truyền thống có từ rất lâu đời của người Dao Thanh Phán nơi đây. Nó xuất phát từ một giai thoại rất cảm động đã truyền từ đời này sang đời khác nơi rẻo cao này. Bà May kể rằng ngày xửa ngày xưa, ở bản Sông Moóc có một phụ nữ già làng thường xuyên ra bờ suối để gội đầu. Vào một hôm, bà đang gội đầu ở ngoài suối, con trai bưng bát cơm ra ăn gần đó. Vô tình một sợi tóc của người mẹ đã rụng và bay vào bát cơm của con. Con trai ăn phải, mắc vào cổ họng nên bị hóc, không kịp chạy chữa và sau đó đã qua đời.

Một phụ nữ Dao Thanh Phán điển hình với mấy chiếc răng vàng và cạo lông mày.
Một phụ nữ Dao Thanh Phán điển hình với mấy chiếc răng vàng và cạo lông mày.

Người mẹ vô cùng buồn đau, trách móc và ân hận về bản thân. Tự trừng phạt mình, bà đã cạo trọc đầu, xếp các miếng khăn trắng lên đầu để tang con, phủ một lớp khăn màu trắng và một khăn đỏ lên trên và mang theo đó suốt cuộc đời. Sau đó bà đã lệnh cho phụ nữ Dao Thanh Phán sau khi lấy chồng đều phải cạo trọc đầu và đội khăn trắng để tránh những điều đáng tiếc giống như mình.

Cùng với tục cạo đầu và đội khăn, mũ trắng - đỏ, phụ nữ Dao Thanh Phán trưởng thành  ở Bình Liêu còn có tục bít răng vàng và cạo lông mày hết sức đặc biệt. Những phụ nữ Dao Thanh Phán ở đây cho rằng, con người khác con vật, khi cười bộ răng sẽ lộ ra, qua đó thể hiện nét đẹp và sự duyên dáng. Do đó, phụ nữ Dao Thanh Phán trưởng thành thường bọc răng vàng, vị trí ở răng nanh hoặc răng cửa. Ở Bình Liêu, tục bọc răng vàng đã có từ rất lâu. Phải là những phụ nữ gia đình khá giả, tương đối có điều kiện mới bọc được răng vàng. Bà May cho biết: “Xưa kia người phụ nữ bọc răng vàng phải là gia đình giàu có, nhiều hồi và quế, nhiều ruộng nương. Người có răng vàng khi cười sẽ cảm thấy tự tin, duyên dáng hơn so với những người không có”.

Những nụ cười tươi tắn được tô điểm thêm chiếc răng vàng cùng với bộ trang phục sặc sỡ càng tôn thêm nét đẹp riêng có, tạo ấn tượng sâu sắc về người phụ nữ người Dao Thanh Phán miền rẻo cao.

Bộ đồ hàng chục triệu đồng của phụ nữ Lô Lô Hoa

Lô Lô là một dân tộc thiểu số định cư ở vùng núi phía Bắc và Tây Bắc của Việt Nam. Đặc biệt người Lô Lô thường sống ở những vùng núi cao heo hút của huyện Mèo Vạc và Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Người Lô Lô được chia làm hai nhánh Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa theo đặc trưng trang phục.

Nếu chúng ta có dịp lên Đồng Văn, đến với Cột cờ Lũng Cú thì sẽ được chiêm ngưỡng bộ trang phục lộng lẫy, nhiều họa tiết của những cô gái Lô Lô Hoa. Chúng tôi đã theo chân một phụ nữ Lô Lô đứng chụp ảnh với du khách ở Cột Cờ để vào bản Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, Đồng Văn.

Tạt vào quán cà phê Cực Bắc của bà chủ Mùng Thị Gối năm nay đã 79 tuổi, chúng tôi như gặp may với mục đích ban đầu của mình. Bởi bà Gối là một người phụ nữ Lô Lô Hoa đã sống gần cả cuộc đời của mình nơi rẻo cao xa xôi này.

Phụ nữ Lô Lô Hoa với bộ trang phục sặc sỡ, cầu kỳ có giá hàng chục triệu đồng.
Phụ nữ Lô Lô Hoa với bộ trang phục sặc sỡ, cầu kỳ có giá hàng chục triệu đồng.

Vừa uống cà phê, chúng tôi vừa được nghe bà Gối cho biết, ở bản Lô Lô Chải này hiện chỉ còn một số bộ nữ phục Lô Lô Hoa chuẩn như truyền thống. Bởi theo bà Gối, để làm ra một bộ trang phục đẹp của phụ nữ đòi hỏi phải là những người rất khéo tay, cần nhiều thời gian. Thường cả đời một người phụ nữ Lô Lô Hoa chỉ có một bộ trang phục từ lúc trưởng thành cho đến chết. Và chính bộ nữ phục ấy cũng lại là áo cưới trong ngày trọng đại của đời mình. Ngoài ngày cưới, họ thường chỉ mặc khi có sự kiện quan trọng trong bản như lễ hội, ngày tết, ngày đám ma.

Với một bộ trang phục mới của phụ nữ Lô Lô Hoa được định giá lên tới 18 - 20 triệu đồng, còn bộ cũ đã mặc cũng phải 9 - 10 triệu. Chúng tôi đã được bà Gối giới thiệu cho một số phụ nữ để đến nhìn tận mắt bộ trang phục độc đáo, đắt tiền. Trên toàn bộ trang phục gồm: Khăn mũ, đáo, quần và thậm chí cả giầy đều được thêu hoa văn, họa tiết cầu kỳ, đẹp mắt và hết sức sặc sỡ.

Áo của phụ nữ Lô Lô Hoa có đặc điểm may ngắn, xẻ ngực, chui đầu, ống tay dài và thường có thêm miếng vào trang trí từ thắt lưng trở xuống. Gấu áo được may dài vừa chấm cạp quần để tạo ấn tượng khỏe khoắn, đồng thời tôn lên đường cong của vùng eo người phụ nữ. Hầu hết toàn bộ chiếc áo trước và sau được trang trí những mảng màu hình tam giác, ghép với nhau thành khối hình vuông. Hai vạt áo trước có đường trang trí lớn dọc theo nẹp áo và đường sát gấu áo, và phía sau lưng cũng có hai đường trang trí chạy dọc sống lưng.

Có hàng chục miếng vải nhỏ trong các ô trang trí ghép từ hình tam giác thành khối vuông. Con gái Lô Lô Hoa từ bé đã búi tóc ra phía sau rồi đội một chiếc khăn lên đầu nhìn như một cái mũ. Có hai loại khăn vuông và dài mà phụ nữ Lô Lô Hoa thường đội. Khăn được thêu chỉ các màu, xung quanh viền đính những hạt cườm lấp lánh. Khi đội, phụ nữ gấp đôi hoặc ba theo chiều dài khăn, rồi quấn quanh đầu để lộ phần hoa văn, hạt cườm đẹp nhất ra phía ngoài.

Chiếc quần liền váy của phụ nữ Lô Lô Hoa cũng rất cầu kỳ, bắt mắt. Điểm nổi bật nhất là những dải vạt bằng vải với nhiều màu sắc, được thêu hoa văn nhỏ xíu hoặc để trơn. Những dải vạt gồm hai lớp, lớp ngoài thắt lưng buông xuống dưới gối, còn lớp dải trong từ dưới đầu gối xuống gần mắt cá chân ở phía trước của ống quần. Chiếc váy ngoài của phụ nữ Lô Lô Hoa thường có hàng trăm, hàng nghìn họa tiết phong phú như hình tròn trắng nhỏ bằng cái cúc, hình vuông, hình cánh hoa đều được thêu tay rất cầu kỳ. Ngoài ra trên bộ trang phục từ cổ, thân áo đến váy, quần còn được treo hàng chục, thậm chí cả trăm chùm sợi len ngắn xúng xính nhiều mầu sắc.

Trang sức của phụ nữ Lô Lô Hoa thường là những chiếc vòng bạc đeo trên cổ. Đó có thể là một chiếc vòng bạc trơn cỡ lớn hoặc những chiếc vòng kiểu dây xích dài xuống tận bụng. Treo phía dưới vòng cổ dạng xích là những miếng bạc lớn được gọt giũa tỉ mỉ hoặc quả bạc nhỏ như chiếc chuông.

Có lẽ chỉ khi xem tận mắt bộ trang phục và tìm hiểu những nét hoa văn,họa tiết... trên trang phục của phụ nữ Lô Lô Hoa thì chúng tôi mới hiểu vì sao nó quý hiếm và đắt đến vậy. Theo bà Gối, việc thêu, đính được những bộ trang phục đẹp chính là tiêu chuẩn để một người con gái trưởng thành được các chàng trai chú ý, kén vợ. Chính vì thế các bé gái 7 - 8 tuổi trong bản đã bắt đầu được mẹ cho tập thêu, tập ghép vải màu để khi trưởng thành tự thêu trang phục của mình.

Mái tóc cầu kỳ cô gái  Hà Nhì Đen

Nằm ở biên cương phía Tây Bắc của Tổ Quốc, xã vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai được mệnh danh là thiên đường mây do ở độ cao trên 2.000m so với mực nước biển. Đến với xã Y Tý du khách còn được chiêm ngưỡng những ngôi nhà trình tường bằng đất hình nấm hết sức độc đáo. Chủ nhân của những ngôi nhà ấy là cộng đồng dân tộc thiểu số Hà Nhì Đen, chiếm gần 70% dân số của xã. Đây là một dân tộc có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng đã định cư lâu đời ở vùng đất Y Tý.

Vào dịp tết, đám cưới hay đặc biệt là lễ hội Khù Già Già của người Hà Nhì Đen nơi đây, chúng ta có thể dễ dàng được gặp các cô gái mặc trên mình bộ trang phục truyền thống và trang trí đầu tóc cầu kỳ, rất ấn tượng.

 Chiếc áo với màu đen - xanh chủ đạo và hàng cúc trang trí.
Chiếc áo với màu đen - xanh chủ đạo và hàng cúc trang trí.

 Nếu như phụ nữ Dao Thanh Phán ở biên giới phía Đông Bắc cạo trọc đầu sau khi lấy chồng thì các cô gái Hà Nhì Đen lại nuôi tóc sao cho càng dài càng tốt.

Người con gái Hà Nhì Đen ở Y Tý nuôi tóc từ bé, đến khi trưởng thành họ tết bộ tóc dài lại rồi quấn quanh đầu phía trên trán. Cùng với bộ tóc thật là một bộ tóc giả được tết bằng len màu đen rất đẹp. Theo nghệ nhân văn hóa dân gian người Hà Nhì Đen ở Y Tý, ông Ly Seo Chơ khi xưa bộ tóc giả được con gái Hà Nhì Đen bện bằng những sợi tách ra từ vỏ cây trong rừng, rồi sau đó những sợi ấy cũng được nhuộm màu đen từ cỏ cây tự nhiên. Ngày nay do sợi len đã phổ biến, nhẹ và đẹp hơn nên họ dùng len để búi, tết bộ tóc giả. Mái tóc giả bằng len thường được búi tết lại rồi quấn ra phần phải sau đầu.

Trên chỏm đầu (phần giữa của bộ tóc thật và tóc giả) phụ nữ Hà Nhì Đen còn đính những quả bông nỉ đủ các màu sắc rất đẹp mắt. Mái tóc dày cùng với những quả bông và bộ tóc giả bằng len không chỉ làm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Hà Nhì Đen mà nó còn có tác dụng như một chiếc mũ giữ ấm vùng đầu, bởi thời tiết nơi đây quanh năm lạnh giá. Không chỉ có vậy, khi đi ngủ người ta vẫn đội tác giả và quả bông trên đầu để khi nằm xuống nó như làm một chiếc gối hoặc có thể biến thành chiếc khăn quàng cổ vừa ấm, vừa êm.

Với những người phụ nữ đôi thêm chiếc khăn màu xanh hoặc mầu chàm trên đầu thì đó là báo hiệu đã có chồng. Theo văn hóa của người Hà Nhì Đen, chóp đầu là nơi lưu giữ phần linh hồn, chính vì thế khi lấy chồng rồi phải buộc, giữ chặt hồn lại.

Trong ngôi nhà của người Hà Nhì đen luôn có vài bộ tóc giả treo trên vách. Những cô gái đến tuổi trưởng thành, để trang điểm cho vẻ đẹp nữ tính của mình, ngoài những đồ trang sức thì không thể thiếu bộ tóc để đội đầu. Mọi ngày, phụ nữ Hà Nhì Đen luôn mang theo chiếc lược nhỏ để chải lại tóc mái và khi cần thì xổ ra chải chuốt lại cho thẳng, không để tóc lòa xòa xuống phía trán.

Ngoài bộ tóc độc đáo, cầu kỳ thì trang phục của con gái Hà Nhì Đen mang hai màu xanh-đen chủ đạo. Phía ngực áo các cô gái thường được đính, thêu những hàng cúc tròn, có khi làm bằng bạc để tạo ra nét đẹp. Gái chưa chồng thường đeo trên cổ những chiếc vòng bạc lấp lánh rất dài, xuống tận bụng. Vòng bạc cũng thường được tạo thành bởi những sợi hình xoắn, ngoài ra trên trán quấn quanh đầu ở những cô gái gia đình có điều kiện sẽ đeo thêm một chiếc vòng đính hàng chục quả chuông bạc nhỏ.

(Theo VĂN HẢI/laodong)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn