Tết đến, cảnh giác thủ đoạn tiêu thụ tiền giả tinh vi

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 19/12/2022 09:28:00 AM - Lượt xem: 6 lượt xem.

Dịp cận Tết, tiền giả không chỉ được rao bán rầm rộ trên mạng xã hội mà còn được tiêu thụ với thủ đoạn tinh vi. Thủ đoạn phổ biến là dùng tiền giả có mệnh giá lớn để mua hàng có giá trị nhỏ sau đó nhận lại tiền thật.

Gần đây, tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, một số đối tượng chạy xe máy đến các cửa hàng, sử dụng tiền giả mệnh giá 500.000 đồng để mua hàng trị giá thấp hơn để được trả lại tiền thật.

Cụ thể, những đối tượng này dùng tờ tiền thật 20.000 đồng đè lên tờ tiền giả mệnh giá 500.000 đồng khi mua hàng hóa trị giá dưới 100.000 đồng. Khi người bán hàng trả lại tiền thừa, những đối tượng này liên tục hỏi thông tin về các loại sản phẩm khác để làm cho người bán mất tập trung. Ngay khi nhận được tiền thối, những người này nhanh chóng rời đi. Khi người bán hàng kiểm tra lại thì mới phát hiện ra tờ tiền 500.000 đồng là giả.

Lượng tiền giả bị cơ quan chức năng thu giữ trong một vụ án. (Ảnh: Dân Trí)

Tại Đồng Tháp, ngày 13/11, cơ quan công an đã bắt đối tượng Lê Văn Hùng (sinh năm 1985, ngụ huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) có liên quan đến vụ án lưu hành tiền giả trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trước đó, vào ngày 24/10, Hùng cùng đối tượng Nguyễn Văn Thuận (sinh năm 1984, ngụ cùng địa phương) sử dụng tiền polymer giả để tiêu thụ tại nhiều cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Còn tại Thanh Hóa, đầu tháng 10, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố, bắt tạm giam Quách Thị Huyền (sinh năm 1976) và chồng là Lê Quốc Bảo (sinh năm 1986, đều ngụ TP.HCM) về tội “Tàng trữ, lưu hành tiền giả” với số tiền trên 3,5 tỷ đồng. Khi bị bắt giữ, Bảo và Huyền đang dùng tiền giả mua thực phẩm và nhận lại tiền trả lại bằng tiền thật. 

Rao bán hay tiêu thụ tiền giả đều phạm pháp

Theo Bộ Công an, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, mua bán tiền giả dưới bất kỳ hình thức nào cũng là hành vi phạm pháp. Pháp luật hiện hành quy định đầy đủ và có chế tài nghiêm khắc về hành vi mua bán tiền giả.

Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 quy định: Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả là một trong các hành vi bị cấm. Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả tại Điều 207 như sau:

Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có giá trị tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 và Điểm d, e Khoản 1 Điều 18 của Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019) thì hành vi rao bán tiền giả trên mạng internet là một trong các hành vi bị nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

(Theo VIetnamnet)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn