Nhiều người lao động vẫn phải tự tạo việc làm

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 27/11/2020 10:17:00 AM - Lượt xem: 9 lượt xem.

Cùng với việc nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lại lao động do có đơn hàng trở lại dịp cuối năm, cũng còn nhiều người lao động vẫn phải tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi công việc vì lĩnh vực làm việc phù hợp với ngành nghề được đào tạo chưa có khả năng khôi phục.

Đi làm trở lại

Sau khi bị Công ty TNHH PouYuen (quận Bình Tân, TPHCM) chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) hồi tháng 6.2020 do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị Nguyễn Thị Thu Sương (44 tuổi, nhà ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TPHCM) - công nhân (CN) may khu D - nghỉ hết thời gian chờ việc và hưởng khoản trợ cấp gần 190 triệu đồng do công ty trả cho 18 năm làm việc của chị.

Thời gian đầu, chị nhận việc nhặt chỉ còn sót lại trên những chiếc áo do em gái chị nhận về làm, nhưng tiền công rất thấp. Ngày nhiều hàng nhất, chị cũng chỉ kiếm được khoảng 50.000 đồng. Điều an ủi duy nhất với chị là vừa được làm việc ở nhà, vừa trông con nhỏ. May mắn, gần đây, khi nhu cầu lao động tăng trở lại do nhiều doanh nghiệp có đơn hàng, chị xin được vào làm CN cho một công ty (Cty) ở gần nhà, nhưng mức lương chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng.

“Đối với tôi như vậy cũng là may mắn rồi, dù tiền lương thấp hơn nhiều so với thời còn đi làm cho Cty PouYuen, vì bây giờ xin việc cũng khó khăn” - chị Sương thật thà chia sẻ.

Chị Sương chỉ là một trong nhiều trường hợp may mắn xin lại được việc làm khi nhu cầu của thị trường lao động ấm trở lại. Ông Nguyễn Thanh An - Chủ tịch Công đoàn (CĐ) Cty Việt Nam Samho - cho hay, trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, đã có gần 1.500 CN không được tái ký HĐLĐ và tự nghỉ việc. Nhưng đầu tháng 11, Cty đã đủ đơn hàng nên tuyển dụng khoảng 1.000 lao động trở lại và đã có vài trăm người vào làm việc, trong đó có không ít người từng làm cho Cty trước kia.

Tương tự, tại Cty Toyo Precion, Khu chế xuất Tân Thuận, TPHCM, ông Phạm Mạnh Quân - Chủ tịch Công đoàn của Cty - nói rằng, trước đây, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên Cty thiếu đơn hàng cũng phải cho 100 lao động nghỉ việc. Nay Cty đã nhận lại số lao động trên và tuyển dụng thêm 50 người nữa.

Tự tạo việc làm, chuyển đổi công việc

Trong khi đó, cũng có nhiều NLĐ vẫn chưa được đi làm trở lại và phải tự bươn chải kiếm sống. Cuối tháng 3.2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chị Trần Thị Tuyết (45 tuổi, quê ở tỉnh Nam Định) - nhân viên Cty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) - cùng nhiều đồng nghiệp đã phải tạm nghỉ việc. 4 tháng đầu, Cty còn trợ cấp mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng.

Thế nhưng, đến tháng 7.2020, chị Tuyết và nhiều nhân viên khác của SASCO đều phải ký thỏa thuận tạm ngừng HĐLĐ đến tháng 6.2021, kèm theo lời hứa nếu các đường bay quốc tế được mở lại, Cty sẽ gọi đi làm trở lại. Thử xin việc thời vụ một vài nơi trong lúc chờ được kêu làm việc trở lại, nhưng chỗ thì trả lương thấp, chỗ lại đòi hỏi nhiều điều kiện mà ở lứa tuổi 45 khó đáp ứng, nên chị Tuyết tự bươn chải tự bươn chải kiếm sống.

Hàng ngày, chị làm các loại bánh cuốn, bánh giò, sữa chua nếp cẩm, nước mát… rồi rao bán trên mạng (online). Chị kiếm được 7-8 triệu đồng/tháng từ bán hàng online, đủ tiền sinh sống.

Cũng như chị Tuyết, anh Nguyễn Văn Minh - một hướng dẫn viên du lịch có nhiều kinh nghiệm đi các tuyến quốc tế - do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã bị thất nghiệp dài hạn. Chờ mãi không thấy có khả năng được làm công việc theo đúng chuyên môn, anh Minh đành phải chọn cho mình công việc đi làm nhân viên môi giới nhà đất - một việc hoàn toàn xa lạ với nghề được đào tạo. Công việc của anh chủ yếu là giới thiệu cho khách về các dự án đang triển khai. Và khách hàng tiềm năng mà anh chọn giới thiệu là những khách trong các chuyến du lịch nước ngoài trước đây, với suy nghĩ “có tiền đi nước ngoài chơi chắc có khả năng tài chính để đầu tư nhà, đất”. Thế nhưng, sau vài tháng chuyển làm công việc mới, anh cũng mới chỉ giới thiệu thành công được một trường hợp mua nhà trong dự án ở quận 9 (TPHCM), nên cuộc sống rất khó khăn.

Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM - cho biết, với việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, nhìn chung tình hình lao động, việc làm và thu nhập của người lao động hiện đã cải thiện nhiều hơn. Quý IV/2020, TPHCM cần khoảng 62.000-65.000 chỗ làm việc.

(Theo NAM DƯƠNG/laodong)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn