Lừa đảo qua mạng đã “công phu” hơn trước

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 26/05/2023 10:00:00 AM - Lượt xem: 0 lượt xem.

Nếu như trước đây những kẻ lừa đảo qua mạng thường dùng tin nhắn, gọi điện để đe dọa, dụ dỗ nạn nhân thì hiện nay chúng “đầu tư” khá bài bản, nói tới đâu có công văn, thông báo đóng mộc đỏ (làm giả) đến đó khiến cho những người dù đã cảnh giác nhưng vẫn bị lừa…

Trong lúc đang cần một số tiền để giải quyết công việc thì chị C.T, ngụ TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) nhận được tin nhắn của một người lạ quảng cáo về dịch vụ cho vay không thế chấp, duyệt hồ sơ qua mạng.

Chiều ngày 21/5, C.T liên hệ thì đối tượng cho biết sẽ có nhân viên hướng dẫn thủ tục gọi lại sau. Ít phút sau, một thanh niên gọi lại và tự xưng mình là Nghiêm Trọng Hải là nhân viên chăm sóc khách hàng của Ngân hàng MB chi nhánh Khánh Hòa, yêu cầu chị T. kết bạn Zalo để tiện trao đổi.

Vừa kết bạn xong, đối tượng gửi cho chị C.T một CCCD mang tên Nghiêm Trọng Hải, một thẻ chăm sóc khách hàng tên Nghiêm Trọng Hải và đoạn clip ngắn quay rõ hình ảnh một thanh niên cầm CCCD mang tên Nghiêm Trọng Hải. “Tôi gửi chị để chứng minh người thật việc thật chứ bây giờ lừa đảo tràn lan không biết đâu mà lần” - Đối tượng nhắn tin trấn an.

Thấy tin nhắn như vậy chị T rất an tâm, dù rằng việc lừa đảo qua mạng chị đã từng được nghe, từng được cơ quan Công an khuyến cáo. Sau khi yêu cầu chị T. khai báo thông tin cá nhân, mục đích vay vốn và chụp CCCD gửi qua Zalo, đối tượng nói chị T. chờ xét duyệt hồ sơ.

2.jpg -0
Công văn giả mạo mà đối tượng gửi để dọa chị T (trái) và hình ảnh đối tượng gửi để chứng minh lai lịch của mình với chị T.

Khoảng 8h30 ngày 22/5, đối tượng liên hệ lại và gửi cho chị T. thông báo đóng mộc đỏ của ngân hàng M.B với nội dung hồ sơ đã được xét duyệt thành công. Chị C.T được vay 60 triệu đồng và trả góp trong vòng 24 tháng. Để nhận được tiền thì người vay truy cập vào ví điện tử để rút số tiền vay, mật khẩu là 679165.

Liền sau đó đối tượng gửi cho chị T. một đường link để truy cập vào ví điện tử và thao tác theo hướng dẫn của đối tượng. Tuy nhiên, thao tác kiểu gì cũng không rút được tiền. Chị T. hỏi lại thì đối tượng nói muốn rút được thì chị C.T phải chứng minh mình là chủ tài khoản cần rút tiền. Muốn vậy chị T. phải dùng đúng tài khoản của mình và chuyển số tiền tương đương 20% trên số tiền vay qua tài khoản mà bên cho vay chỉ định để tiến hành xác minh. Tài khoản mà đối tượng yêu cầu chuyển mang tên Lê Thị Diễm An, ngân hàng VCB.

“Sau khi chị chuyển xong thì liên hệ lại với mình. Mình sẽ hướng dẫn chị rút 72 triệu đồng gồm 60 triệu tiền vay và 12 triệu chị chuyển để xác minh”- Đối tượng nhắn tin. Tin lời, chị T. làm theo.

Đã đáp ứng hết yêu cầu nhưng tiền vẫn không rút được. Trong lúc chị T. đang rối bời thì đối tượng gửi cho chị T. một thông báo cũng đóng mộc đỏ của ngân hàng M.B rằng chị T. đã thao tác sai làm hệ thống giải ngân của ngân hàng bị rối loạn và đông cứng. Muốn mở băng chị T. phải chuyển số tiền tương đương 40% so với số tiền vay tức 24 triệu đồng. Nếu chị T. không thực hiện mở băng thì hồ sơ sẽ được gửi lên Ủy ban giám sát tài chính quốc gia để điều tra và chị T. phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Trước mắt chị T. không những không rút được tiền mà hàng tháng còn phải trả nợ theo hợp đồng đã ký kết.

Thấy công văn mộc đỏ chót nên chị C.T quá lo sợ nhưng vì trong tài khoản chỉ còn 14 triệu đồng nên chị T. xin hẹn lại để đi vay cho đủ tiền đóng vào.

“Cảm thương” chị T., đối tượng nói để kêu vợ của mình cho chị T. mượn đỡ 10 triệu đồng để đóng vào, khi nào chị T. mở băng, rút được tiền thì trả lại. Nghe vậy chị T. rất vui mừng chuyển nốt 14 triệu đồng trong tài khoản và cũng không quên cảm ơn kẻ lừa mình.

Cũng như lần trước, ví không mở được, đã vậy chị T. còn nhận tiếp một công văn cũng đóng dấu mộc đỏ của ngân hàng M.B tiếp tục khẳng định chị T. đã thao tác sai làm rối loạn hệ thống giải ngân. “Trong trường hợp xấu nhất, tài khoản hiện tại sẽ bị treo vĩnh viễn, khách hàng có thể phải bồi thường thiệt hại cho phía ngân hàng. Để thực hiện lệnh mở băng, khách hàng cần chuyển thêm số tiền bằng 50% khoản vay (30 triệu đồng) trước 18h30 cùng này. Nếu không tài khoản sẽ đóng băng vĩnh viễn”- Thông báo nêu rõ.

“Đọc xong thông báo này tôi với tỉnh người ra. Tôi nhủ thầm thôi mình đã bị lừa rồi. Mình đi vay tiền thì người cho vay phải chuyển tiền cho mình chứ sao mình phải chuyển cho họ. Tôi tức tốc đi trình báo cơ quan Công an nhưng tất cả đều đã muộn” - Chị T. kể lại.

Qua xác minh ban đầu của cơ quan Công an thì tất cả các giấy tờ, thông báo ngân hàng, hình ảnh mà đối tượng gửi cho chị T. đều giả mạo. Bởi không có bất kỳ kẻ lừa đảo nào lại sử dụng tài khoản, hình ảnh của mình để đi lừa cả.

Và cũng không có bất kỳ ngân hàng nào lại cho vay chỉ qua trao đổi trên mạng xã hội. Có chăng chỉ là những kẻ lừa đảo, những kẻ cho vay lãi nặng, đòi nợ theo kiểu xã hội đen.

Mới đây, Công an TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) tiếp nhận trình báo của anh T. về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hình thức mua Voucher qua app Momo.

Theo đó, anh T. có sử dụng app Momo liên kết với tài khoản ngân hàng với mục đích nhận các voucher ưu đãi giảm giá trong app Momo.

Trong một lần truy cập Facebook, anh T. nhận được tin nhắn của một tài khoản lạ với nội dung muốn mua các voucher ưu đãi có sẵn trong Momo của anh T. Nghi ngờ đối tượng lừa đảo T đã vào trang cá nhân và xem qua hồ sơ thấy đối tượng lập tài khoản Facebook từ năm 2017 cho tới nay và có chia sẻ đời sống cá nhân, hình ảnh người thân nên anh T đã tin tưởng. Theo gợi ý của đối tượng, anh T. chụp màn hình các voucher có sẵn trong tài khoản Momo gửi cho đối tượng. Nhận xong, đối tượng yêu cầu T. gửi số điện thoại và mật khẩu app Momo để đối tượng đăng nhập và quét mã.

Anh T. nghĩ tài khoản Momo không còn tiền và nếu đối tượng có rút tiền qua thẻ ngân hàng T. đã liên kết sẵn thì cũng cần phải có mã OTP mới thực hiện được, do đó anh T. không ngần ngại cung cấp số điện thoại và mật khẩu app Momo cho đối tượng. Sau khi đối tượng đăng nhập vào tài khoản Momo và thông báo đã quét xong các voucher thì anh T. còn cẩn thận thay đổi mật khẩu app Momo của mình.

Tuy đã quét mã xong nhưng không thấy đối tượng chuyển trả tiền, anh T. hỏi thì đối tượng nói anh T. cần phải nộp vào tài khoản Momo 5 triệu đồng thì tiền tích lũy mới hiện lên để rút, trong đó có khoản tiền mà đối tượng chuyển trả cho anh T. Sau khi nạp tiền xong chưa đầy 1 phút thì số tiền 5 triệu đồng anh T. nộp vào đã bị rút sạch. Anh T. nhanh chóng điện thoại cho bên dịch vụ Momo và đến ngân hàng để hỏi thì được biết do anh T. đã để lộ thông tin bảo mật nên đã bị đối tượng lợi dụng lừa đảo lấy tiền thanh toán tự động trên Momo từ số tiền được liên kết với ngân hàng sẵn có.

“Tuy số tiền tôi bị lừa không nhiều nhưng với thủ đoạn này chúng có thể lừa được rất nhiều người khác nên tôi mong muốn qua vụ việc của mình để mọi người cùng cảnh giác”- Anh T. chia sẻ.

(Theo Cand)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn