Liều thuốc nào tăng đề kháng cho giới trẻ trước áp lực gia tăng thời hiện đại?

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 18/03/2021 04:03:00 PM - Lượt xem: 14 lượt xem.

Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn... có rất nhiều bí quyết giúp những bạn trẻ tăng sức đề kháng, vượt qua những nỗi buồn, áp lực của cuộc sống.

Tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ 2, đối với nhóm tuổi từ 15 - 29 trên thế giới, chỉ sau tai nạn giao thông, theo nghiên cứu gần nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Và tại Việt Nam thôi, vấn nạn này dần không còn âm thầm nữa. Thông tin chỉ về hàng loạt vụ tự tử xuất hiện trên báo chí từ năm ngoái tới năm nay. Nhiều bạn trẻ đã tự kết thúc cuộc đời mình.

Theo báo cáo của Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có hơn 40.000 người tự tử do trầm cảm. 30% dân số Việt Nam mắc trầm cảm, trong số đó, thanh thiếu niên ở thành thị có xu hướng dễ gặp trầm cảm hơn. Liệu có phải là do xã hội càng hiện đại, áp lực mà người trẻ gặp phải và chống chọi cũng sẽ nhiều hơn?

Thực tế, nhịp sống nhanh, liên tục thay đổi, mâu thuẫn trong nhiều năm với gia đình khi cha mẹ quá bao bọc, kiểm soát; gặp khó khăn khi đi tìm việc, những bất hòa trong chuyện tình cảm... những lý do này khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy lạc lõng, vô phương hướng trong các cơ hội học tập và công việc. Với một sự việc khó khăn mà nhiều người coi là bình thường, còn đối với những người đã gặp tổn thương về mặt tâm lý trong thời gian dài, đó có thể là một "giọt nước tràn ly", khiến họ cảm thấy không đáng được yêu thương, mất niềm tin vào cuộc sống để tìm tới cái chết.

Trong cuộc sống hiện đại, khi áp lực thời nay đè nặng lên người trẻ ngày càng lớn, mạng xã hội trở thành nơi những người trầm cảm tìm đến nhau, tâm sự giúp nhau vượt qua khó khăn tâm lý, bởi ở đó, giấu danh tính, chẳng ai biết là ai, chẳng ngại xấu hổ. Nhưng đây cũng là nơi đầy rẫy những định kiến, đánh giá từ những người dùng khác, thậm chí những gì họ nhận được lại là trách móc.

Theo chia sẻ của một người bị trầm cảm, cư dân mạng hay bị sa vào "cơn bão" trên mạng xã hội. Điều chúng ta cần hiểu là phải nhìn vào người phía sau những hình đại diện của họ trên mạng xã hội, thấu cảm và không sa vào những bình luận tiêu cực.

Không được lắng nghe, không được hiểu, bị cô lập. Đó là một trong những lý do khiến người trầm cảm chọn con đường kết thúc là cái chết. Và cũng chính bởi vậy, nhiều quốc gia, trong đó có Nhật mới đây cũng đã bổ nhiệm "Bộ trưởng chống cô đơn", giúp đỡ cộng đồng đối mặt sự cô đơn và cô lập, đồng thời thảo luận các biện pháp hỗ trợ. Người trầm cảm có thể tìm thấy sự sẻ chia từ các chuyên gia tâm lý, tổ chức, các đường dây nóng để chia sẻ, và tất nhiên từ sự giúp đỡ của gia đình, người thân và bạn bè.

"Nếu chúng ta bỏ nhiều thời gian hơn trong không gian ảo thì bớt không gian thật. Giới trẻ hiện nay có những kỹ năng tưởng chừng các bạn ý phải có được thì không có. Ví dụ như kỹ năng linh hoạt, thích ứng với điều kiện thay đổi, quản lý cơn giận dữ, giải quyết xung đột. Thế hệ trước được học nhiều hơn", PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa - Viện trưởng Viện Tâm lý học và Truyền thông, Hội Tâm lý học Việt Nam chia sẻ.

Tuy nhiên, không có gì bằng việc thay đổi nhận thức, từ chính các bạn trẻ. Cuộc sống không màu hồng, cũng không phải đen xám, mà có nhiều màu sắc thú vị khác nữa. Như câu chuyện của cô gái trẻ Hồng Quyên. Quyết định tạm gác lại công việc để bước vào 1 hành trình đặc biệt, hành trình sống chậm lại để kết nối được với tâm hồn của chính mình, cô gái này tự mình vượt qua những ngày tháng căng thẳng, và trở lại cuộc sống bình thường.

Năm 2015, Hồng Quyên bắt đầu hành trình đạp xe xuyên Việt, sau đó, cô tiếp tục hành trình xuyên Đông Nam Á và Ấn Độ trong những năm tiếp theo. Sau 5 năm, Hồng Quyên mới tiết lộ lí do khiến cô quyết định thay đổi cuộc sống của mình. Thời điểm ấy, cô gặp nhiều vấn đề về gia đình, cuộc sống cùng với sức khỏe không tốt nên quyết định dừng lại mọi thứ để bắt đầu hành trình mới. Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, đạp xe giúp Hồng Quyên phát hiện ra những điều giản đơn mà trước giờ cô chưa từng có được. Hiện tại, cô gái ấy đang tiếp tục thực hiện hành trình đạp xe xuyên Việt từ Hà Nội vào Cần Thơ để kỉ niệm 5 năm đạp xe của mình.

Thay bằng việc dùng thuốc để chữa bệnh, nhờ hành trình đạp xe của mình, Hồng Quyên đã tìm đuợc hạnh phúc. Có thể bằng đạp xe hoặc bằng bất kì cách nào khác, nhưng chỉ cần "Sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn". Lan tỏa yêu thương, để cảm thấy tự tin vào bản thân, khi làm được việc có ích, đó cũng sẽ là bí quyết giúp tăng sức đề kháng cho chính mình, để vượt qua những nỗi buồn, áp lực của cuộc sống.

(Theo VTV)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn