Không nên lạm dụng mỳ ăn liền

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 16/09/2021 09:48:00 AM - Lượt xem: 8 lượt xem.

Việc lạm dụng mỳ ăn liền có thể khiến người sử dụng đối diện với nguy cơ béo phì, mắc các bệnh về tim mạch như cao huyết áp, xơ vữa động mạch, đột quỵ cao hơn bình thường. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia y tế, mỳ ăn liền cũng như nhiều thực phẩm thông thường khác, không gây hại cho sức khỏe nếu biết cách dùng hợp lý.

Nếu lạm dụng mỳ ăn liền sẽ khiến cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, mạch máu, gây tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất.

Hai chiều ý kiến

Cuộc sống bận rộn, gấp gáp nơi đô thị khiến nhiều người, có lúc, phải chọn mỳ ăn liền là bữa chính trong ngày. Thêm vào đó, ở bất cứ ngưỡng thu nhập nào, mỳ ăn liền luôn là món ăn tiện lợi. Cũng bởi thế, không khó hiểu khi Việt Nam nằm trong tốp 3 quốc gia tiêu thụ mỳ ăn liền nhiều nhất thế giới năm 2020, với hơn 7,03 tỷ gói, chỉ đứng sau Trung Quốc và Indonesia.

Trước một thị trường “màu mỡ” như vậy, việc 3 sản phẩm mỳ ăn liền của hai doanh nghiệp Việt Nam bị Liên minh Châu Âu “tuýt còi” vì chứa chất cấm Ethylene oxide không được phép sử dụng trong thực phẩm phần nào khiến người tiêu dùng trong nước lo lắng. Đây không phải lần đầu tiên người tiêu dùng có những lo lắng về thành phần dinh dưỡng trong mỳ ăn liền. Một số chuyên gia dinh dưỡng trong nước từng cảnh báo, trong quá trình sản xuất, mỳ ăn liền được chiên trong dầu ở nhiệt độ cao, có thể sinh ra các chất béo thể Trans Fat. Chất béo này sẽ làm tăng mức Cholesterol trong máu, dẫn đến tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, gây tắc nghẽn và dẫn đến nguy cơ đột quỵ.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm, Hội Khoa học Kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, cho hay, trong mỳ ăn liền chứa rất nhiều chất béo bão hòa (shorterning - một loại dầu dạng cứng chứa nhiều axít béo no, khó tiêu hóa), chất bột, rất ít chất xơ. Đáng chú ý là thành phần chất béo (chủ yếu là dạng axit béo no) trong mỳ ăn liền chiếm từ 15 - 20% trọng lượng của gói mỳ, không tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, một thành phần có mặt trong mỗi gói mỳ ăn liền mà không phải ai cũng để ý, đó chính là muối. Việc lạm dụng sản phẩm này vô tình làm hại thận, thậm chí dùng nhiều có thể gây sỏi thận.

Ở một góc nhìn khác, một số ý kiến cho rằng, mỳ ăn liền cũng giống như các thực phẩm khác, không chứa nhiều tác hại như đồn thổi. Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, bản chất nguyên liệu chính làm nên sợi mỳ ăn liền chính là bột lúa mỳ - một trong 5 loại ngũ cốc được “điểm mặt đặt tên” trong nguồn thực phẩm cung cấp năng lượng cho hoạt động sống cơ bản của loài người. Nói một cách khoa học, mỳ ăn liền thuộc nhóm Carbonhydrate - chất bột đường, 1 trong 3 nhóm sinh năng lượng chính cho mỗi bữa ăn (bên cạnh protein - chất đạm và lipid - chất béo).

Còn theo nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lê Bạch Mai, thông tin về việc mỳ ăn liền làm tăng cân hay béo phì là chưa có cơ sở khoa học. Sở dĩ nói như vậy là do nhu cầu năng lượng hằng ngày của một người trưởng thành sẽ nằm trong khoảng 2.000 - 2.500 kcal, tùy vào giới tính, hoạt động (nam giới thường có nhu cầu năng lượng cao hơn nữ giới, người vận động nhiều có nhu cầu năng lượng cao hơn người làm việc văn phòng...). Năng lượng này tạo ra chủ yếu từ nhóm thực phẩm chứa chất bột đường, đạm, béo. Trong bữa ăn, năng lượng từ bột đường nên chiếm khoảng 55 - 65%, đạm 15 - 20%, chất béo 25 - 30%.

Trong khi đó, một sản phẩm mỳ ăn liền thông dụng (loại 75gram) cung cấp các chất dinh dưỡng và năng lượng - chất bột đường: 40 - 50gram; chất đạm: 6,9gram; chất béo: 10 - 13gram; năng lượng: 300 - 350Kcal. Như vậy, có thể thấy, hàm lượng chất béo và tinh bột, năng lượng cung cấp của mỳ ăn liền đã được tính toán cân đối, hợp lý, khó làm tăng cân.

Ăn thế nào để không gây hại?

Cân đối giữa lợi và hại, có thể thấy rằng, cái gì quá cũng không tốt và mỳ ăn liền cũng vậy. Một thí nghiệm của Tiến sĩ Braden Kuo, công tác tại Bệnh viện cộng đồng Massachusetts (Mỹ) cho thấy, ăn mỳ ăn liền trên 3 lần mỗi tuần có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường và tim mạch. Ngoài ra, mỳ ăn liền còn ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa bởi sợi mỳ sau khi vào cơ thể không dễ phân hủy.

Bên cạnh đó, dù không khẳng định mỳ ăn liền gây hại song một số chuyên gia cũng cho hay, mỳ ăn liền được làm từ nguyên liệu chính là bột mỳ, bột sắn, lượng chất đạm có rất ít và chủ yếu là đạm thực vật. Vì vậy, nếu chỉ ăn mỳ ăn liền mà không bổ sung thêm chất đạm và rau xanh, bữa ăn sẽ mất cân đối. Trường hợp sử dụng thường xuyên mà không bổ sung đủ dinh dưỡng từ các thực phẩm khác, cơ thể sẽ thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, gây tình trạng thiếu vitamin và khoáng chất.

Theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nên sử dụng mỳ ăn liền phối hợp cùng các loại thực phẩm khác như thịt, trứng, cá, rau xanh. Tuy vậy, cũng không nên bổ sung quá nhiều các loại thực phẩm vào cùng một bát mỳ bởi như vậy thì lượng dinh dưỡng nạp vào cơ thể sẽ lớn, dẫn đến nguy cơ tăng cân. Đặc biệt, nên ăn đúng thời điểm, tránh ăn khuya (ăn sau 20h) vì cơ thể sẽ khó tiêu hóa, dễ tích tụ năng lượng.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, một số phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập đến tác hại của Trans Fat nhưng hiện vẫn chưa đưa ra quy định cụ thể nào về việc ghi thành phần Trans Fat trên thực phẩm, trong đó có mỳ ăn liền. Vậy nên, để bảo đảm quyền lợi của người dùng, cần có quy định về lượng Trans Fat cùng với các tiêu chí về chất béo có trong sản phẩm mỳ ăn liền. Việc ghi rõ các thành phần trong nhãn mác giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn được sản phẩm tốt và phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người tiêu dùng cần tự bảo vệ bản thân bằng cách chọn mua sản phẩm của các nhà sản xuất uy tín, nhất là các cơ sở đã áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đạt chất lượng. Đặc biệt, không lạm dụng sản phẩm này để thay thế cho các chất dinh dưỡng khác bởi điều đó sẽ khiến cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết.

(Theo Hanoimoi)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn