Khi nào cha mẹ nên nói dối?

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 19/01/2021 05:03:00 PM - Lượt xem: 18 lượt xem.

Khi còn nhỏ, những đứa trẻ khó có thể hiểu hết những "ngóc ngách" của cuộc sống nên cha mẹ cần nói dối để chúng tiếp tục giữ được niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp.

Hai ngày trước, một bà mẹ ở Hạ Môn, Trung Quốc đưa con gái ra biển chơi. Khi cô bé ngồi trên bờ cát, bất ngờ một cơn sóng ập đến cuốn trôi chiếc xẻng đồ chơi. Bé hốt hoảng hét lên và khóc, người mẹ an ủi: "Biển chỉ mượn con một lúc thôi". Cô gái nhỏ lập tức mỉm cười. Một lúc sau, cô bé bất ngờ nhặt một thứ gì đó trên cát: " Mẹ ơi, đây là chiếc xẻng mà biển đã mượn của con". "Biển đã trả lại con rồi à, vui quá", người mẹ reo lên.

Lời nói dối ấm áp của cha mẹ có thể xua tan những đám mây đen đang trùm lên đứa trẻ và lấp đầy cuộc đời chúng. Ảnh minh họa.

Lời nói dối ấm áp của cha mẹ có thể xua tan những đám mây đen đang trùm lên đứa trẻ và lấp đầy cuộc đời chúng. Ảnh minh họa.

Đoạn video đăng tải nhận nhiều phản hồi tích cực từ người dùng mạng. "Tôi cảm động bởi với người mẹ này hạnh phúc của con gái quan trọng hơn chiếc xẻng nhỏ. Vì vậy bà đã nói dối để xua tan sự căng thẳng, tự trách của đứa trẻ và bảo vệ sự ngây thơ cho con", một độc giả để lại bình luận.

Chuyên gia giáo dục người Ukraina - Sukhomlinsky từng nói: "Cha mẹ đối xử với trái tim trẻ phải cẩn thận bởi nó giống như giọt sương trên lá sen. Lời nói dối ấm áp của cha mẹ có thể xua tan những đám mây đen đang trùm lên đứa trẻ và lấp đầy cuộc đời chúng".

Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc, Phó Thủ Nhĩ kể rằng khi còn nhỏ cô phải sống trong một cửa hàng gạo với mẹ. Trong kho gạo có rất nhiều chuột. Những âm thanh do chuột gây ra hàng đêm khiến cô bé cảm thấy sợ hãi, không ngủ nổi. Người mẹ nói với con: "Hàng đêm chuột sẽ mang kẹo đến cho con". Rồi mỗi tối người mẹ đều để một viên kẹo bên cạnh gối của con. Bằng cách này, viên kẹo nhỏ đã khiến cô bé tin rằng đó là sự thật. Nhiều năm sau, Phó Thủ Nhĩ vẫn khóc khi nhắc lại câu chuyện này bởi với cô đó là hương vị ngọt ngào nhất của tuổi thơ.

"Lời nói dối ấy giống như chiếc ô lớn, dù mưa gió cũng không một giọt nước rơi trúng đứa trẻ. Từ đó mang lại cho trẻ quyền và khả năng nhìn lên các vì sao ngay cả khi chúng sống trong một rãnh nước", nhà văn nói.

Hai bố con nhân vật chính trong bộ phim Cuộc sống tươi đẹp. Ảnh: intothescript.com

Hai bố con nhân vật chính trong bộ phim "Cuộc sống tươi đẹp". Ảnh: intothescript.com

Bộ phim kinh điển "Cuộc sống tươi đẹp", kể về những tháng ngày sống trong nhà tù Đức quốc xã của hai bố con một cậu bé Do Thái. Cậu nhóc dĩ nhiên không thể hiểu cặn kẽ vì sao mình phải vào tù, nhà tù man rợ thế nào... Và người bố, vì tình yêu dành cho con trai đã giải thích cho con bằng hình ảnh "cuộc sống tươi đẹp" trong chốn địa ngục trần gian.

Ngay từ khi bị bắt, ông bố thông minh đã biến ngay cuộc sống tàn khốc trước mặt thành một cuộc chơi thú vị, mạo hiểm để cậu bé không bị sợ hãi, ám ảnh. Tất cả những đày ải khổ cực trong trại tập trung được Guido "biến hóa" thành những thử thách bắt buộc phải vượt qua để ghi điểm một trò chơi lớn. Phần thưởng cho trò chơi lớn là chiếc xe tăng thật, mới, đẹp - điều mà cậu con trai mơ ước.

Tấm lòng của người bố thể hiện rõ nhất khi ông hiên ngang đi trước họng súng của quân thù để qua khu vực xử bắn nhưng vẫn tếu táo nháy mắt đùa vui với con trai như thể đang hào hứng tham gia một trong những thử thách của trò chơi. Và lúc ấy, cậu bé vẫn tin rằng cậu cần phải ngồi im như bố dặn, còn bố thì đang ghi điểm với một thử thách nào đó để lấy phần thưởng xe tăng về mừng sinh nhật mình...

Nhà văn Nhật Bản Keigo Higashino. Ảnh: baoashahi.com

Nhà văn Nhật Bản Keigo Higashino. Ảnh: baoashahi.com

Sự trưởng thành của một đứa trẻ bắt đầu từ việc nhìn thấu lời "nói dối" của cha mẹ.

Có một câu chuyện thế này. Chàng trai sinh ra tại một vùng núi nghèo, mê game online từ khi còn là sinh viên năm nhất. Một lần hết tiền, cậu nói dối bị ốm và cần tiền gửi lên. Thanh niên này nghĩ rằng mẹ sẽ chuyển tiền cho mình nhưng không ngờ người bố lại tìm đến trường. "Bố đi thăm một người bạn, tiện đường mang tiền qua cho con", ông nói. Nhìn thấy sự ngạc nhiên trong mắt con trai, ông giải thích: "Con không phải lo chỗ ngủ cho bố. Người bạn sẽ đãi bố một bữa thịnh soạn và đặt khách sạn cho bố rồi".

Thanh niên không nghĩ nhiều, cậu biết mình đã có tiền và có thể tiếp tục chơi game thỏa thích. Đến khuya khi cậu trèo tường trở về trường như thường lệ thì thấy cảnh tượng bất ngờ, bố cậu đang ngồi xổm trong góc tường ký túc xá. Đó là một đêm mùa đông lạnh giá, dưới ánh đèn màu cam, người bố ngồi co ro vì lạnh. Thỉnh thoảng ông đứng dậy, chạy vài bước cho ấm người. Tuyệt vọng, chàng trai trở về ký túc xá và khóc rất to. Ngay lúc đó, cậu hiểu rằng mọi lời nói của bố đều là nói dối, nhưng lại không có dũng khí để tìm gặp bố nói lời xin lỗi. Cậu buồn, hối hận và cuối cùng cảm nhận được tình yêu và sự kỳ vọng thầm lặng mà lớn lao của người cha.

Lời nói dối "tử tế" của cha mẹ chính là chiếc ô che mưa che nắng khi con mất tự tin, chán nản và thất vọng. Cha mẹ tuyệt vời là những "kẻ nói dối" cao cấp nhất. Họ dùng lời nói khiến trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của thế giới khi còn nhỏ, để khi lớn lên chúng có được tấm áo giáp chống lại nghịch cảnh.

Trứng gà đập vỡ từ bên ngoài là thức ăn, đập vỡ từ bên trong là một sinh mệnh sắp ra đời. Trẻ con cũng vậy, đập vỡ từ bên ngoài là áp lực, đập vỡ từ bên trong là trưởng thành. Nếu cha mẹ nào cũng lên kế hoạch cẩn thận cho những lần "nói dối", tốt nhất là khiến chúng hiểu được ngụ ý bên trong. Từ đó trẻ mới muốn dùng nỗ lực của bản thân để biến lời nói dối của cha mẹ thành sự thật.

(Theo Hải Hiền/vnexpress)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn