Hàng loạt bệnh "y học chưa biết" do hút thuốc lá điện tử

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 26/05/2023 10:03:00 AM - Lượt xem: 2 lượt xem.

Dù đã có nhiều lời cảnh báo về những tác hại khôn lường đến sức khoẻ, nhưng số người trẻ hút thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vẫn tiếp tục gia tăng.

Nhân Ngày thế giới không thuốc lá (31-5) và Tuần lễ quốc gia không khói thuốc (diễn ra từ 25 đến 31-5), các chuyên gia lại một lần nữa nhấn mạnh, cần phải có những giải pháp mạnh trong phòng, chống tác hại thuốc lá để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

 

Nguy hại khôn lường

Những năm qua, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. So với năm 2015, tỷ lệ người hút thuốc lá từ 15 tuổi trở lên giảm từ 22,5% xuống 21,7% năm 2020, trong đó tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới Việt Nam giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Với kết quả này, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam đã phòng tránh được 280.000 ca tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Ước chi phí tiết kiệm được do giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng thuốc lá gây ra trong giai đoạn 2015 -2020 là 1.277 tỷ đồng. 

Trên đây là những con số được bà Nguyễn Thị Thu Hương - đại diện Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đưa ra trong Hội thảo cung cấp thông tin cho báo chí về phòng, chống tác hại của các sản phẩm tiêu dùng có hại cho sức khỏe do Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin Truyền thông) phối hợp tổ chức Health Bridge (Canada) tổ chức tại Phú Quốc (Kiên Giang), ngày 25-5. 

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Việt Nam vẫn là một trong 15 nước có số nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Đáng lo ngại, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020).

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hút thuốc lá điện tử phát sinh hàng loạt bệnh, ngộ độc mới, thậm chí y học chưa biết, không thể đoán trước, không thể giải quyết hiệu quả và tăng gánh nặng xã hội.

Chẳng hạn, có trường hợp bệnh nhân nữ, 20 tuổi nhập viện do ngộ độc thuốc lá điện tử trong tình trạng tổn thương đa tạng, hôn mê, co giật, sốc suy thận. Hay trường hợp bệnh nhân nam 39 tuổi đã đột quỵ do sử dụng thuốc lá điện tử. Theo bác sĩ Nguyên, người bị tổn thương não do sử dụng thuốc lá điện tử thường bị nặng gấp đôi so với đột quỵ thông thường… 

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc chia sẻ về tâc hại của thuốc lá điện tử.

Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cũng đưa ra cảnh báo về một bệnh lý mới gây tổn thương phổi cấp liên quan đến thuốc lá điện tử (EVALI) đã bùng phát tại Mỹ. EVALI chưa có phác đồ điều trị chính thức, tất cả bệnh nhân đều phải nhập viện với tỷ lệ 76% phải hỗ trợ thở ô xy, 22% thở máy không xâm nhập, 26% đặt ống nội khí quản, một số ca phải can thiệp ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo). Khi hồi phục, 25-85% bị di chứng xơ phổi với các mức độ khác nhau.

Xét nghiệm dịch đường hô hấp các bệnh nhân EVALI, phát hiện vitamin E acetate. “Việt Nam cũng đã phát hiện vitamin E acetate trong dung dịch thuốc lá điện tử nhưng đến nay chưa phát hiện ca bệnh EVALI. Tuy nhiên, sớm muộn gì, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với bệnh mới nổi này”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay.

Tinh vi hơn, các chất ma túy còn được đưa vào thành phần sản xuất thuốc lá điện tử vừa dẫn độc, vừa gây nghiện… 

Kiểm soát thế nào?

Để giảm thiểu tình trạng sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, đại diện Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) đề xuất, tăng thuế thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ, truyền thông rộng rãi đến người dân. 

Đồng quan điểm, bà Hoàng Thị Thu Hương, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Quảng cáo và các luật liên quan cấm quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức. Việc kinh doanh, buôn bán tràn lan thuốc lá điện tử là trái các quy định pháp luật.

 

 

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm - chuyên gia WHO tại Việt Nam, thuế tiêu thụ đặc biệt trên giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam là 38,8%, trong khi đó ở Malaysia là 58,6%, Singapore là 67,5% và Thái Lan là 78,6%. Tỷ lệ này ở các nước phát triển là 67,9%, còn trung bình toàn cầu là 61,5%. Theo khuyến cáo của WHO, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá cần ở mức 70% - 75% giá bán lẻ; tăng thuế thuốc lá thường xuyên để giá thuốc lá tăng nhanh hơn lạm phát và mức tăng thu nhập. Ngoài ra, nên tăng thuế thuốc lá để trong ngắn hạn nhằm đạt mục tiêu kế hoạch hành động quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Xung quanh vấn đề tăng thuế đối với thuốc lá, bà Trần Thị Tuyết - Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, định hướng chung trong chỉ đạo sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt thời gian tới là sẽ tăng thuế đối với rượu, bia, thuốc lá, đồ uống có đường theo tiêu chuẩn Việt Nam. Giai đoạn 2008 - 2019, chúng ta đã 3 lần sửa thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, nhưng mức thuế chưa cao, lần này sửa sẽ tăng thuế hỗn hợp để định hướng tiêu dùng, hướng tới giảm tỷ lệ hút thuốc lá. 

Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), chúng ta không nên truyền tải thông tin ngụy tạo là thuốc lá điện tử không có hại, thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá truyền thống...  Thông tin nguy hại này khiến giới trẻ lầm tưởng, dễ nghiện thuốc lá mới theo đám đông.

Cần cảnh báo, sử dụng thuốc lá nói chung, bao gồm thuốc lá thế hệ mới, ảnh hướng đến giống nòi, chất lượng nguồn lao động. Tăng thuế đối với thuốc lá là cần thiết. Cần phải nói thêm, buôn lậu thuốc lá không phải do thuế cao, 94% quốc gia tăng thuế thuốc lá không làm gia tăng buôn lậu - bà Vũ Thị Minh Hạnh nhấn mạnh thêm.

(Theo Hanoimoi)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn