Chủ tịch Quốc hội: “Trong cái khó sẽ ló cái khôn”, doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng được cơ hội từ khó khăn

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 13/10/2021 04:44:00 PM - Lượt xem: 10 lượt xem.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, với tinh thần và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, bản chất anh hùng và khí phách của con người Việt Nam, của doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam; chắc chắn sẽ xuất hiện những cách làm mới, nỗ lực lớn để vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để giành thắng lợi...

Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi họp mặt chiều 12/10 - Ảnh: Giang Nam
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại buổi họp mặt chiều 12/10 - Ảnh: Giang Nam

Chiều ngày 12/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi gặp mặt Đoàn đại biểu gồm các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và Vinh danh các thương hiệu Mạnh Việt Nam 2021, theo đề xuất của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10).

Cùng tham dự buổi gặp mặt có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Chử Văn Lâm; Tổng Giám đốc, Tổng thư ký toà soạn Đào Quang Bính, các trưởng ban chuyên môn của Tạp chí Kinh tế Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo của các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và vinh danh các thương hiệu Mạnh Việt Nam 2021.

Diễn đàn các nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp Việt Nam và vinh danh các Thương hiệu mạnh Việt Nam 2021 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức nhằm tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu trong ứng dụng khoa học và công nghệ.

Theo ông Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam, diễn ra trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, chương trình đã chọn chủ đề “Vượt thách thức” để ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực vươn lên của doanh nghiệp, tôn vinh bản lĩnh, ý chí, kiên cường không chịu khuất phục khó khăn, không ngừng đổi mới sáng tạo, bền bỉ và từng bước vượt qua thách thức, phục hồi đà tăng trưởng.

KIẾN NGHỊ CỦA DOANH NGHIỆP GỬI CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Tại buổi gặp mặt, đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp trân trọng cảm ơn các quyết sách quan trọng, sự hỗ trợ to lớn của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống dịch, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh tốt để cộng đồng doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh của mình thời gian qua.

Đại diện các doanh nghiệp đặc biệt đánh giá cao những quyết sách được Quốc hội đưa ra ngay tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV, trong đó có Nghị quyết số 30/2021/QH15, tạo cơ sở pháp lý để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thực hiện nhiều chính sác và biện pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Những quyết sách vừa qua, theo đại diện Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Masan, đã thể hiện sâu sắc quan điểm mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh “mọi quyết sách của Quốc hội đều phải đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”.

Các doanh nghiệp cũng ghi nhận việc Quốc hội, Chính phủ cùng các Bộ, Ngành liên quan nhanh chóng đưa các quyết sách vào thực thi, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giữa thời điểm đỉnh dịch.

Chủ tịch Quốc hội bắt tay đại diện doanh nghiệp tham gia buổi họp mặt - Ảnh: Giang Nam.
Chủ tịch Quốc hội bắt tay đại diện doanh nghiệp tham gia buổi họp mặt - Ảnh: Giang Nam.

Cảm ơn Quốc hội đã luôn chủ động tạo môi trường kinh doanh tốt cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Lê Đăng Dũng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel, gửi tới Chủ tịch Quốc hội một loạt kiến nghị, trong đó nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội hậu Covid-19, nhanh chóng cập nhật và bổ sung hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số, số hóa phù hợp với tình hình mới.

Lấy ví dụ về một số hạn chế trong cơ chế chính sách và hành lang pháp lý hiện tại, ông Lê Đăng Dũng cho biết việc thí điểm Mobile Money mất gần 3 năm vẫn chưa được triển khai; dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, giáo dục từ xa vẫn chưa có cơ sở pháp lý, việc cấp tần số 5G vẫn đang vướng luật; việc xây dựng cơ sở dữ iệu quốc ga về đất đai vẫn còn chậm….

Ông Lê Đăng Dũng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel phát biểu tại buổi họp mặt - Ảnh: Giang  Nam.
Ông Lê Đăng Dũng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel phát biểu tại buổi họp mặt - Ảnh: Giang  Nam.

“Chúng tôi mong Quốc hội và Chính phủ nhanh chóng hoàn thành cơ chế, hành lang pháp lý cho việc chuyển đổi số quốc gia. Nếu được triển khai hợp lý và kịp thời, tôi tin rằng năm 2025 có thể hình thành xã hội số tại Việt Nam”, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel bày tỏ.

Tại buổi họp mặt, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Masan chia sẻ những khó khăn và thách thức cũng như những sáng tạo, đổi mới và thích nghi với tình hình của doanh nghiệp. Đại diện Massan đề xuất Quốc hội tiếp tục rà soát các chính sách điều hành kinh tế và sửa đổi để phù hợp với tình hình mới, đặc biệt tạo điều kiện để xây dựng các trung tâm giao hàng thuộc các khu vực kinh tế trọng điểm, thiết lập hạ tầng logistics… để khôi phục chuỗi cung ứng, tránh đứt gãy.

Quan tâm đến việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc VNPT đề nghị mong muốn Quốc hội sẽ có ban hành hướng dẫn về ưu đãi thuế, chính sách thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp triển khai giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử.

Trong khi đó, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 đề xuất Quốc hội và các địa biểu Quốc hội phát huy hơn nữa vai trò giám sát trong việc thực thi các chính sách, song song với đó là ban hành các chính sách đặc phù, chính sách liên ngành, liên địa phương.

Chủ tịch Quốc hội: “Trong cái khó sẽ ló cái khôn”, doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng được cơ hội từ khó khăn - Ảnh 1
Chủ tịch Quốc hội: “Trong cái khó sẽ ló cái khôn”, doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng được cơ hội từ khó khăn - Ảnh 2
 

Đại diện một số doanh nghiệp tham gia buổi họp mặt - Ảnh: Việt Tuấn.

“Chúng tôi luôn tin tưởng với sự chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt, sự điều hành linh hoạt và hiệu quả của Quốc hội, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp dệt may nói riêng sẽ chung tay đồng hành, vũng vàng vượt qua đại dịch, góp phần xây dựng đất nước”, ông Thân Đức Việt bày tỏ.

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, cho biết dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, các doanh nghiệp Việt vẫn hết sức cố gắng để duy trì hoạt động, đồng thời đã có những đóng góp rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, khôi phục hoạt động. Ông khẳng định Liên hiệp Hội Việt Nam đánh giá rất cao những đóng góp vô cùng to lớn của các doanh nghiệp Việt Nam, luôn luôn là nòng cốt, là trụ đỡ của nền kinh tế.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt - Ảnh: Giang Nam.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt - Ảnh: Giang Nam.

“Liên hiệp Hội Việt Nam cũng kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục đổi mới sáng tạo, có cơ chế hợp tác, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ hơn nữa đối với các trí thức, nhà khoa học trong và ngoài nước để doanh nghiệp ngày càng tăng năng suất lao động, sức cạnh tranh, khẳng định thương hiệu, tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, làm chủ công nghệ để tăng hàm lượng khoa học và công nghệ trong các sản phẩm phục vụ giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước, vươn tầm ra khu vực và thế giới, hoàn thành các mục tiêu như Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, ông Phan Xuân Dũng nêu rõ.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự tiếp tục quan tâm hơn, chỉ đạo sâu sắc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đứng đầu là Chủ tịch Quốc hội đối với Liên hiệp Hội Việt Nam nói chung, cộng đồng doanh nghiệp nói riêng; tạo cơ chế, chính sách thông thoáng cho các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

 

TẬN DỤNG CƠ HỘI TỪ KHÓ KHĂN, THỂ HIỆN "KHÍ PHÁCH" DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP VIỆT

Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Quốc hội luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trọng tâm trong mọi quyết sách. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, không chỉ là doanh nghiệp trong nước mà còn cả doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Toàn cảnh buổi họp mặt - Ảnh: Giang Nam
Toàn cảnh buổi họp mặt - Ảnh: Giang Nam

Hiến pháp 2013 lần đầu tiên đã ghi nhận vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân và khẳng định Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững các ngành kinh tế góp phần xây dựng đất nước.

Do đó, từ khi bắt đầu nhiệm kỳ khóa XV, Chủ tịch Quốc hội đã nhiều lần gặt mặt đại diện doanh nghiệp…, gần đây nhất là tại tọa đàm trực tuyến toàn cầu với hơn 100 CEO của các tập đoàn lớn trong Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN. Riêng trong tháng 9, Chủ tịch Quốc hội đã có 3 cuộc gặp với đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước để lắng nghe các đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhằm xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống luật pháp thích ứng với điều kiện bình thường mới do tác động của đại dịch Covid -19.

Chủ tịch Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đã thống nhất sẽ tổ chức cuộc gặp định kỳ hàng năm với VCCI và các doanh nhân, doanh nghiệp; đồng thời lấy ý kiến chính thức một lần nữa với VCCI khi trình dự án luật ở vòng thứ 2 để Quốc hội xem xét, thông qua.

Ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong bối cảnh đại dịch, tác động sâu sắc và tiêu cực tới mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết và trách nhiệm. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm dù chưa được như kỳ vọng nhưng cũng đạt 1,42%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 4%... có sự đóng góp lớn của cộng đồng doanh nghiệp.

“Cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thúc trách nhiệm, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo, thích ứng trong điều kiện khó khăn. Nhiều mô hình, sáng kiến đã được vận dụng sáng tạo”, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận. “Trong bối cảnh khó khăn, đội ngũ doanh nghiệp không quên trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Đóng góp này càng được phát huy cao độ. Hơn 8.000 tỷ cho quỹ vaccine phần lớn đến từ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đóng góp kinh phí vật tư phòng chống dịch, đảm bảo cung cấp an sinh cho người dân và lo cho chính bản thân người lao động của mình. Đây là những nỗ lực rất lớn của đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp”.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến Diễn đàn các nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp Việt Nam và vinh danh các Thương hiệu mạnh Việt Nam duy trì được gần 20 năm, đồng thời bày tỏ hoan nghênh việc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Việt Nam năm nay lựa chọn chủ đề thiết thực và có ý nghĩa, phù hợp bối cảnh chung.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến Diễn đàn các nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp Việt Nam và vinh danh các Thương hiệu mạnh Việt Nam do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sáng kiến Diễn đàn các nhà Lãnh đạo Doanh nghiệp Việt Nam và vinh danh các Thương hiệu mạnh Việt Nam do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức - Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay trong phiên họp chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã bàn thảo kỹ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, thống nhất rất cao về việc phải đặt tái cơ cấu nền kinh tế gắn với một chương trình tổng thể về thích ứng, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng tính tự chủ của nền kinh tế, tăng cường khả năng chống chịu, thích ứng trước những cú “sốc” do bất ổn kinh tế vĩ mô bên ngoài hoặc dịch bệnh, biến đối khí hậu…

Về phục hồi kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất cao phải tiếp tục kích thích, thúc đẩy cả “tổng cung” và “tổng cầu”, có những điều chỉnh trong chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quy mô cần thiết để thích ứng, giảm thiểu thiệt hại và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nội dung mà Chính phủ và Quốc hội đang tích cực nghiên cứu để thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, ngay trong tuần này sẽ làm việc với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số cơ quan liên quan để đánh giá thực trạng dư địa của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ và định hướng sắp tới phối hợp hai chính sách này như thế nào cho hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận ý kiến của đại diện 4 doanh nghiệp tại buổi họp mặt, cho rằng đây là các ý kiến “sát và trúng” với chủ trương, phương hướng xây dựng pháp luật của Quốc hội và Chính phủ khóa này với 137 nhiệm vụ pháp luật và 100 đề án giám sát. Tại kỳ họp thứ 2 tới, sẽ có 7 dự án luật được trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét và thông qua.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp đóng góp ý kiến cho Quốc hội trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện các điều kiện nhằm tăng cường năng lực của thị trường vốn và thị trường công nghệ - yếu tố then chốt trong quá trình phát triển của 5 năm tới; cải thiện các yếu tố nhằm tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế; phát triển kinh tế số, xã hội số, các mô hình, lĩnh vực kinh doanh mới, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), thúc đẩy được đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo…

Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi các doanh nhân, doanh nghiệp phát huy tinh thần dân tộc, xây dựng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh, tư duy đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, nuôi dưỡng hoài bão lớn và khát vọng vươn lên để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Song song với đó, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi doanh nghiệp chú trọng hơn nữa vào công tác quản trị, từ đó đóng góp vào sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững và nâng cao năng lực tự chủ, tự cường của nền kinh tế.

"Với tinh thần và quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, bản chất anh hùng và khí phách của con người Việt Nam, của doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, 'trong cái khó sẽ ló cái khôn', sẽ xuất hiện những cách làm mới, nỗ lực lớn để vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để giành thắng lợi", Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội chúc các doanh nhân, doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh và phát triển, đồng thời khẳng định, Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cả hệ thống chính trị luôn đồng hành với các doanh nhân, doanh nghiệp.

Một số hình ảnh tại buổi gặp mặt chiều 12/10.

Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Chử Văn Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Giang Nam.
Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Chử Văn Lâm phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Giang Nam.
Chủ tịch Quốc hội tặng quà lưu niệm cho Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Chử Văn Lâm và Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng. Ảnh: Giang Nam.
Chủ tịch Quốc hội tặng quà lưu niệm cho Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam Chử Văn Lâm và Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng. Ảnh: Giang Nam.
Chủ tịch Quốc hội: “Trong cái khó sẽ ló cái khôn”, doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng được cơ hội từ khó khăn - Ảnh 3
Chủ tịch Quốc hội: “Trong cái khó sẽ ló cái khôn”, doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng được cơ hội từ khó khăn - Ảnh 4
 

Chủ tịch Quốc hội tặng quà lưu niệm cho đại diện các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt. Ảnh: Giang Nam.

(Theo vneconomy)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn