Cách tránh bẫy 'thao túng tâm lý' của đối tượng lừa đảo qua mạng

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 12/09/2023 02:48:00 PM - Lượt xem: 29 lượt xem.

Lừa đảo trên không gian mạng ngày càng có nhiều thủ đoạn mới tinh vi, nhiều kịch bản khó lường để từng bước thao túng tâm lý nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an đưa ra nhiều khuyến cáo nhưng vẫn có người sập bẫy.

Công an TP.HCM mới đây tiếp tục có khuyến cáo trước các thủ đoạn, kịch bản của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có những chiêu trò mới nhằm thao túng, đánh vào tâm lý hám lợi, nhu cầu, sự háo danh… của nạn nhân để chiếm đoạt tài sản. 

Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng hiện nay có rất nhiều chiêu thức, thủ đoạn mới. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, kịch bản lừa đảo phổ biến trên mạng đó là các đối tượng dẫn dụ nạn nhân tham gia vào các nhóm tư vấn đầu tư, kiếm tiền online…

Với chiêu thức mới này, các đối tượng sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Telegram… quảng bá tuyển dụng cộng tác viên kiếm tiền online, việc nhẹ lương cao, bán hàng hưởng hoa hồng… 

Các đối tượng đánh vào lòng tham của nạn nhân, từng bước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ để được trả công từ số tiền nhỏ tới số tiền lớn hơn. Nạn nhân “say mồi” và liên tiếp chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Với các nhóm chiêu dụ đầu tư tài chính cũng có cách thức tương tự như vậy.

Gần đây trên mạng xuất hiện chiêu lừa tuyển người mẫu nhí. Ảnh: CA

Chiêu lừa đảo khác là tuyển dụng, đào tạo người mẫu nhí chụp ảnh mẫu đại diện cho các hãng thời trang nổi tiếng, có thu nhập cao. Đối tượng lừa đảo đã đánh vào sự háo danh của cha mẹ dành cho con em.

Khi những bậc cha mẹ tham gia vào các nhóm chát thì các đối tượng chiêu dụ họ trở thành cộng tác viên online để mua – bán các sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử nhằm hưởng hoa hồng cao và tăng khả năng trúng tuyển cho con mình.

Ban đầu, các bậc cha mẹ nhận tiền hoa hồng đều đặn nên tin tưởng và thấy việc kiếm tiền khá dễ dàng. Tuy nhiên khi đã “đầu tư” vào số tiền lớn thì các đối tượng lừa đảo lập tức xóa nạn nhân khỏi nhóm, chặn mọi liên lạc.

Nhiều người bị lừa mất số tiền rất lớn khi tham gia vào các nhóm dịch vụ hẹn hò online. Ảnh: CA

Chiêu thức lừa đảo mới mà gần đây nhiều người "sập bẫy" với số tiền lớn là tham gia vào các nhóm dịch vụ hẹn hò online trên mạng Telegram. Theo kịch bản của các đối tượng, nạn nhân nhận đường link để truy cập vào khai báo thông tin, chuyển tiền nộp lệ phí để trở thành thành viên Vip.

Khi đăng ký tài khoản xong, nạn nhân được yêu cầu xác thực để hoàn thành nhiêm vụ, nhận hoa hồng bằng cách truy cập vào đường link và nộp tiền theo hướng dẫn của hệ thống.

Tới bước người tham gia lựa chọn gói dịch vụ và nộp tiền thì hệ thống thông báo sai dữ liệu, tài khoản bị khóa, thành viên phải nộp thêm tiền để phục hồi dữ liệu, mở khóa. Sau khi người tham gia nộp thêm tiền thì mới được cấp thẻ thành viên hẹn hò. 

Từ đây, người tham gia bị các đối tượng yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng chỉ định để hoàn thành nhiệm vụ, nhận hoa hồng. Các đối tượng chiêu dụ nạn nhân liên tiếp nộp tiền, đến khi đã chuyển số tiền lớn thì nạn nhân cũng bị “đá” ra khỏi nhóm chát.

Người dân cần làm gì để tránh bị lừa đảo?

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM, hiện nay có hơn 20 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng. Khi nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định thì vài phút sau, số tiền đó được chuyển đi các tài khoản của tội phạm lừa đảo. Chúng chia nhỏ ra để rút hết và chưa ghi nhận chúng rút tiền tại các điểm ATM.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo khác có thể liệt kê như: Giả là giáo viên, nhân viên y tế báo cho phụ huynh biết con em gặp nạn để yêu cầu chuyển tiền phẫu thuật gấp; giả cán bộ thông tin để thông báo khoá sim điện thoại; gọi điện thoại thông báo trúng thưởng; lừa đảo cho số đánh đề; dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook….

Công an hay cơ quan chức năng không gọi điện thoại để yêu cầu khai báo thông tin cá nhân và cũng không gửi các quyết định khởi tố, lệnh bắt giam qua mạng xã hội, điện thoại cho người dân. Ảnh: CA

Các chiêu lừa đã cũ nhưng đến nay vẫn có người bị mất tiền như: Giả danh nhân viên ngân hàng, các cơ quan công an - viện kiểm sát – tòa án để hù doạ điều tra nhằm khai thác thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng; chiêu lừa người tình nước ngoài quen qua mạng gửi quà, tiền về Việt Nam rồi yêu cầu đóng các khoản phí….

Ngoài ra, khi sa vào ma trận lừa đảo, nạn nhân dễ bị chiêu dụ nhấp vào các đường link, ứng dụng lạ từ đó tài khoản mạng xã hội bị chiếm đoạt. Các đối tượng sử dụng các tài khoản đó để mạo danh, lừa đảo bạn bè, người thân kiểu vay mượn tiền.

Liên quan đến việc ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng, Bộ Công an và công an các tỉnh thành luôn đưa ra những khuyến cáo, cập nhật những thủ đoạn, chiêu thức mới để người dân cảnh giác.

Bộ Công an khuyến cáo người dân những kỹ năng cơ bản để phòng, chống lừa đảo gồm: Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân; sử dụng mật khẩu tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng có tính an toàn và chủ động tìm hiểu, nâng cao kiến thức bảo mật.

Những cách kiếm tiền dễ dàng, "việc nhẹ lương cao" quảng bá trên mạng xã hội đều là lừa đảo; những người xưng là cán bộ cơ quan nhà nước yêu cầu khai báo thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng… cũng là lừa đảo.

Hình thức chiêu dụ "việc nhẹ lương cao", "làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng" trên mạng xã hội.

Bộ Công an nhấn mạnh, lực lượng công an hay cơ quan chức năng khác trong quá trình điều tra, xử lý, giải quyết các vụ việc không bao giờ làm việc với người dân qua điện thoại, không có bất kỳ lời nói hăm dọa nào hoặc gửi các văn bản, quyết định khởi tố, bắt giam qua mạng xã hội, điện thoại…  Cơ quan chức năng chỉ gửi giấy mời thông qua chính quyền cơ sở nơi người dân đó cư trú.

Khi có cuộc điện thoại lạ đề nghị làm việc thì người dân cần cương quyết từ chối, nhất định không chuyển tiền qua tài khoản chỉ định nào.

Bộ Công an cũng khuyến cáo, người dân cần cảnh giác khi tham gia vào các nhóm hướng dẫn kiếm tiền online, tuyển cộng tác viên, tuyển người mẫu nhí, hỗ trợ đầu tư tài chính… Cần xác thực rõ thông tin từ các thương hiệu để tránh bị lừa.

Tốt nhất, không tham gia vào các nhóm trên mạng xã hội mà mình không quen biết, không cung cấp các thông tin, giấy tờ cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP báo về điện thoại… cho người lạ, người chỉ biết trên mạng xã hội.

Theo khuyến cáo của công an, các ngân hàng không gửi tin nhắn SMS hay qua các ứng dụng mạng xã hội có kèm đường link đăng nhập vào ngân hàng trực tuyến. Vậy nên người dân khi nhận được, không nên nhấp vào đường link lạ, không thực hiện bất kỳ giao dịch nào… mà chỉ thực hiện đăng nhập, giao dịch ngân hàng điện tử thông qua trang web chính thức của ngân hàng.

Khi nghi ngờ bị lộ thông tin, bị lừa đảo, người dân cần thực hiện các thao tác theo cú pháp hướng dẫn của ngân hàng hoặc liên hệ tổng đài ngân hàng để khóa tài khoản, khóa thẻ tín dụng khẩn cấp.

 theo Đàm Đệ Báo VietNamNet

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn