7 hành vi mạo hiểm và tình trạng "bắt nạt trực tuyến" ở trẻ vị thành niên

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 30/10/2023 10:51:00 AM - Lượt xem: 0 lượt xem.

Theo chuyên gia, trẻ vị thành niên có nhiều hành vi mạo hiểm như quan hệ tình dục không an toàn, nhắn tin gợi dục, sử dụng chất gây nghiện... và có tình trạng bị "bắt nạt trực tuyến".

Tại buổi ra mắt sách "Happy children" và hoạt động "Trạm hạnh phúc", diễn ra ở Nhà thiếu nhi TPHCM ngày 28/10, TS Hà Vĩnh Thọ, chuyên gia về giáo dục đặc biệt và trị liệu đã chia sẻ về những thách thức, nguy cơ mà nhóm trẻ vị thành niên phải đối diện.

Theo đó, trẻ vị thành viên có 3 nhu cầu cơ bản, đó là an toàn về mặt cảm xúc, sự công nhận từ xã hội, phát triển và thể hiện. Vì mong muốn có những trải nghiệm mới mẻ, một số trường hợp yêu thích "sự dấn thân" qua các cảm giác mạnh, mạo hiểm và phiêu lưu.

Từ đó, sẽ dẫn đến những hành vi mạo hiểm ở trẻ vị thành niên. Có thể kể đến 7 hành vi phổ biến như: quan hệ tình dục không an toàn, tin nhắn gợi dục (gồm cả hình ảnh, video, chữ viết), hút thuốc và uống rượu, sử dụng chất gây nghiện, lái xe phóng nhanh vượt ẩu, trộm cắp, đánh nhau.

7 hành vi mạo hiểm và tình trạng bắt nạt trực tuyến ở trẻ vị thành niên - 1

Theo chuyên gia, bắt nạt trực tuyến có mối liên hệ với hành vi chống đối xã hội (Ảnh minh họa: BV).

Xét dưới góc độ cảm xúc, TS Thọ chia sẻ, hiện nay đã xuất hiện quá nhiều những hình thức "bắt nạt trực tuyến", trong bối cảnh internet và mạng xã hội quá phát triển. Tình trạng trẻ hứng chịu những hậu quả nghiêm trọng từ các hành động bắt nạt trực tuyến đang diễn ra rất phổ biến.

Chuyên gia phân tích, bắt nạt trực tuyến được định nghĩa là những hành động gây hại có chủ ý và lặp đi lặp lại, thông qua hình thức sử dụng máy tính, điện thoại hoặc các thiết bị điện tử khác.

Kết quả của một số nghiên cứu gần đây cho thấy, bắt nạt trực tuyến gây ra nhiều vấn đề liên quan đến lòng tự trọng thấp, ý định tự tử cao hay cảm giác tức giận, thất vọng cùng nhiều vấn đề cảm xúc và tâm lý khác.

Bắt nạt trực tuyến cũng có mối liên hệ với các vấn đề ở "thế giới thực", như vấn đề ở trường học, hành vi chống đối xã hội... Tình trạng này có mối quan hệ mật thiết với bắt nạt truyền thống. Cụ thể, những em bị bắt nạt ở trường sẽ thường bị bắt nạt trên mạng, và ngược lại.

Khi bị bắt nạt trực tuyến, trẻ có thể bị ảnh hưởng sức khỏe tâm trí, gia tăng căng thẳng, lo âu, trầm cảm, tư tưởng bạo lực và sự kém tự tin. Hậu quả của các hành động bắt nạt này có thể dẫn đến ảnh hưởng lâu dài về mặt cảm xúc, ngay cả khi đã kết thúc.

7 hành vi mạo hiểm và tình trạng bắt nạt trực tuyến ở trẻ vị thành niên - 2

Bắt nạt trực tuyến gây gia tăng tình trạng trầm cảm, tư tưởng bạo lực, ảnh hưởng sức khỏe tâm trí (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

TS Thọ dẫn chứng, tại Mỹ, thống kê năm 2021 chỉ ra hơn 45% thanh thiếu niên tự nhận đã từng là nạn nhân của bắt nạt trực tuyến. Ở Việt Nam cũng có một số công trình nghiên cứu về chủ đề này.

Các chuyên gia nhận định, việc trang bị kiến thức đầy đủ cho giáo viên và học sinh về vấn đề bạo lực học đường, bằng cách tuyên truyền các hình thức bạo lực, hoặc các vấn đề liên quan như giới tính, tuổi, quan hệ cá nhân và gia đình có thể hữu ích trong việc giảm đi nạn bạo lực.

Các hoạt động như nâng cao giá trị sống, kỹ năng kết nối và giao tiếp với bạn bè cũng giúp trẻ biết cách đối xử tốt với nhau hơn. Ngoài ra, các khóa huấn luyện kỹ năng sống có thể giúp học sinh xác định, xử lý các khó khăn và mâu thuẫn trong cuộc sống một cách hiệu quả.

"Hành vi liều lĩnh là bình thường ở lứa tuổi này. Chúng ta phải tìm ra sự cân bằng đúng đắn giữa việc cho trẻ đủ tự do để có những trải nghiệm của riêng mình, đồng thời kịp thời hỗ trợ để chúng có nơi an toàn trở về khi gặp rắc rối hay ngập chìm trong cảm xúc", chuyên gia đưa ra lời khuyên.

(Theo Dantri)

Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn