300 triệu trẻ em đối mặt với nạn lạm dụng trên không gian mạng

Được đăng bởi: - Ngày đăng: 27/05/2024 03:54:00 PM - Lượt xem: 11 lượt xem.

Một nghiên cứu gần đây của Đại học Edinburgh, Scotland, vương quốc Anh đã tiết lộ số liệu thống kê đáng báo động cho thấy, hơn 300 triệu trẻ em trên toàn thế giới phải đối mặt với nạn bóc lột, lạm dụng và quấy rối tình dục trực tuyến mỗi năm.

Những con số đáng báo động

Nghiên cứu được Đại học Edinburgh công bố vào ngày 26.5 cho thấy tình trạng phổ biến của các hình thức lạm dụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ em trên toàn cầu như chia sẻ nội dung tình dục không có sự đồng thuận, gạ gẫm trực tuyến, “tống tiền” và công nghệ giả mạo AI (deepfake).

Báo động về con số 300 triệu trẻ em đối mặt với nạn lạm dụng trên không gian mạng -0
Nguồn: childvictims.us

Dựa trên phân tích ban đầu của 125 nghiên cứu và hơn 36 triệu báo cáo của 5 tổ chức giám sát và cảnh sát, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 12,6% trẻ em trên thế giới (tương đương khoảng 302 triệu thanh thiếu niên) đã bị chụp ảnh, chia sẻ trái phép hình ảnh và video một cách trái phép trong năm qua. Khoảng 12,5% trẻ em đã phải đối mặt với sự gạ gẫm trên không gian mạng, bao gồm các cuộc trò chuyện về nội dung tình dục không mong muốn, bị gửi tin nhắn quấy rối tình dục và bị yêu cầu thực hiện hành vi tình dục. Các hình thức lạm dụng khác bao gồm “tống tiền” và khai thác thông qua công nghệ giả mạo khuôn mặt bằng AI (deepfake).

Viện An toàn trẻ em toàn cầu Childlight, một sáng kiến của Đại học Edinburgh, báo cáo rằng tài liệu lạm dụng trẻ em phổ biến đến mức mỗi giây nó đều được báo cáo cho các tổ chức giám sát.

Báo cáo cho thấy, Nam Á chiếm khoảng 1/3 tổng số cảnh báo của các cơ quan giám sát trực tuyến về việc lưu trữ hoặc tải lên nội dung xâm hại tình dục trẻ em. Tiếp theo là Đông Á và Thái Bình Dương, chiếm 1/5 số báo cáo. Những khu vực này cũng chiếm tới 54% dân số thế giới.

Tính theo quy mô dân số, Bắc Mỹ và Tây Âu nằm trong ba khu vực có tỷ lệ cảnh báo về dữ liệu lạm dụng tình dục trẻ em cao nhất, sau Trung Đông và Bắc Phi.

Các nghiên cứu ở Đông Á và Thái Bình Dương, bao gồm Australia, Malaysia và Philippines, cho thấy tỷ lệ gạ gẫm tình dục trẻ em trực tuyến trong năm qua là 13%. Tuy nhiên, dữ liệu về Nam Á còn thưa thớt nên các nhà nghiên cứu đang kêu gọi những nỗ lực khẩn cấp để lấp đầy khoảng trống số liệu này này.

Tính theo đầu người, khu vực Trung Đông và Bắc Phi nhận được nhiều cảnh báo nhất về dữ liệu lạm dụng tình dục trẻ em (9 báo cáo trên 1.000 người). 25% trẻ em ở Đông và Nam Phi cho biết đã từng bị gạ gẫm trực tuyến vào một thời điểm nào đó, với 20,4% đã phải đối mặt với vấn nạn này trong năm qua. Đông Âu và Trung Á báo cáo về tỷ lệ tiếp xúc không đồng thuận với hình ảnh và video khiêu dâm cao (20,2%), chỉ đứng sau Bắc Mỹ (23%).

Cần sự hợp tác toàn cầu để ngăn chặn “đại dịch” đối với trẻ em

Giám đốc điều hành Childlight Paul Stanfield cho biết: “Đây là một đại dịch sức khỏe toàn cầu đã bị coi nhẹ quá lâu. Vấn nạn xảy ra ở mọi quốc gia và đang gia tăng theo cấp số nhân. Cần hành động khẩn cấp và coi đây là một vấn đề sức khỏe cộng đồng có thể ngăn ngừa được. Trẻ em không thể chờ đợi được”. Ông Paul Stanfield nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của vấn nạn này khi so sánh số lượng người phạm tội ở Anh có thể “lấp đầy” một tuyến đường kéo dài từ Glasgow đến London hay lấp đầy 20 lần sân vận động Wembley.

Ông Debi Fry, giáo sư nghiên cứu bảo vệ trẻ em quốc tế tại Đại học Edinburgh, cho biết: “Thế giới cần nhận thức được rằng, những hành động tàn bạo này đang ảnh hưởng đến trẻ em trong mọi lớp học, mọi trường học, mọi quốc gia. Đây không phải là những hình ảnh vô hại: chúng gây tổn hại sâu sắc và hành vi lạm dụng vẫn tiếp tục diễn ra với mọi lượt xem cũng như việc không gỡ bỏ được nội dung lạm dụng này”.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Interpol, Stephen Kavanagh, cho biết: “Bóc lột và lạm dụng trực tuyến là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với trẻ em trên thế giới, và các phương pháp thực thi pháp luật truyền thống đang gặp khó khăn để theo kịp”. Ông nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy cơ chế hợp tác toàn cầu, chia sẻ dữ liệu tốt hơn và các quy định mạnh mẽ hơn để chống lại vấn đề này một cách hiệu quả.

 
(Theo Quỳnh Vũ/daibieunhandan)
Từ khóa:
Những kiến nghị và thắc mắc của bạn

Ý kiến của bạn