1900.636.628

Nói chuyện chuyên đề “Lắng nghe lời con nói

Ảnh: Anh Tú

Tham dự buổi nói chuyện có bà Trần Quý Dân – Chủ tịch Công đoàn TCT, Thạc sỹ Phan Thị Lan Hương – Giám đốc trung tâm nghiên cứu quyền trẻ em, Liên hiệp các Hội Khoa học kĩ thuật Việt Nam và gần 300 CBCNV của Tổng công ty tại trụ sở Hà Nội.

Với mỗi bậc cha mẹ, sinh con và nuôi dạy con là một niềm hạnh phúc, nhưng cũng đồng thời là thử thách. Cùng những khoảnh khắc vui vẻ khi được ngắm nhìn con trưởng thành, các bậc phụ huynh cũng gặp không ít khó khăn khi con có những cư xử không đúng mực, bướng bỉnh, nghịch ngợm, không chịu vâng lời cha mẹ. Không ít người cảm thấy thật lúng túng, thậm chí là khủng hoảng và bế tắc; trong việc chọn lựa phương pháp nuôi dạy con phù hợp. Thấu hiểu những trăn trở của CBCNV có con trong độ tuổi thanh thiếu niên, Công đoàn đã mời chuyên gia tâm lý Phan Thị Lan Hương trao đổi chia sẻ.

Liệu có đúng khi nói rằng con càng lớn thì càng khó bảo và không biết nghe lời nữa? Vậy cha mẹ phải làm gì để con biết lắng nghe và lời nói của mình “có trọng lượng” hơn? LẮNG NGHE LỜI CON NÓI đã được chuyên gia chia sẻ, giải đáp.

Tâm lý tuổi “ẩm ương”, đó là những câu chuyện thực tế mà bà Phan Thị Lan Hương đã từng được nghe, được gặp và chia sẻ lại với các bậc phụ huynh tại buổi nói chuyện.

          Hai năm qua, chúng ta đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, thực hiện giãn cách xã hội khiến hàng triệu trẻ em không được tới trường đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển kỹ năng xã hội của trẻ em. Do hạn chế tiếp xúc bạn bè, giáo viên, các thành viên gia đình, xã hội đã khiến trẻ em trở nên dễ bị tổn thương hơn. Thêm vào đó, việc học tập, giải trí của nhiều em gần như gắn chặt với máy tính, điện thoại và internet, hạn chế việc tham gia vui chơi ở ngoài dẫn tới trẻ em có nhiều nguy cơ hơn bị xâm hại trên môi trường mạng…

          Lứa tuổi THCS và THPT, các em có thay đổi lớn liên quan đến tâm sinh lý. Đôi khi bố mẹ không theo kịp và cũng không có những hiểu biết sự thay đổi này. Cho nên giữa bố mẹ và con cái thường có những khoảng cách, thậm chí là xung đột, mâu thuẫn. Đến lúc nào đó, khi nhìn lại thì bố mẹ giật mình và rất khó để có thể níu kéo khoảng cách đó gần lại.

          Về tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, thạc sỹ Lan Hương cho biết, hiện nay có xu hướng tăng, trẻ em bị tai nạn thương tích đặc biệt là tử vong do tai nạn đuối nước vẫn còn xảy ra, trẻ em có hành vi vi phạm pháp luật vẫn diễn biến khó kiểm soát.  Thời gian gần đây, nhiều học sinh tự tử đều có liên quan đến vấn đề tâm lý, có liên quan đến gia đình. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc cha mẹ mải mê làm ăn, chủ quan, thiếu quan tâm, sao nhãng việc chăm sóc trẻ. Cha mẹ bận rộn mưu sinh đã phải để con lại cho ông bà già yếu chăm sóc hoặc để trẻ em tự chăm sóc, bảo vệ nhau. Cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ con, không hiểu được tâm sinh lý, sự phát triển của trẻ em qua từng giai đoạn nên không có phương pháp giáo dục con cái.

          Chuyên gia tâm lý Phan Thị Lan Hương đưa ra lời khuyên: Bố mẹ cần có sự thay đổi về cách ứng xử, giáo dục con cái sao cho phù hợp hơn; bởi thực tế các con cũng có nhiều áp lực trong học tập. Áp lực này đôi khi không phải đến từ bố mẹ hay thầy, cô giáo, nhà trường; mà có những bạn rất trách nhiệm với bản thân nên tự tạo áp lực cho mình. Hoặc áp lực trong cuộc sống, môi trường xã hội xung quanh. Vì thế, nếu bố mẹ không biết cách giải toả, ứng xử phù hợp thì có những bạn sẽ rất đáng thương; các con buồn bã, luôn cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi, lo âu. Chính vì mối quan hệ không được tốt như vậy, trong khi bố mẹ lại không biết cách xoa dịu nên xung đột xảy ra và có hành động bột phát.

          Vẫn biết, trong cuộc sống bố mẹ có nhiều áp lực, nhưng các con còn nhỏ, chúng ta không thể đòi hỏi các con hoàn thiện bản thân và càng không nên yêu cầu các con phải đúng. Hãy cho các con quyền được sai. Bởi các con có sai thì mới trưởng thành được. Vì thế, phụ huynh phải biết cách và hãy thấu hiểu cảm xúc của con. Khi con đi học về, hoặc học bài tập xong, các con cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi thì bố mẹ có thể xoa dịu con bằng việc hỏi han, tâm sự với con. Thay vì nặng lời, hãy hỗ trợ để con giải toả cảm xúc tiêu cực.

          Lý do lớn nhất khiến trẻ xa lánh cha mẹ, không muốn lắng nghe là vì chúng cảm thấy cha mẹ cũng không lắng nghe lời con nói. Đôi khi chính cha mẹ quên mất rằng con trẻ cũng cần được lắng nghe và thấu hiểu những gì trẻ nói và trẻ đang cảm thấy thế nào. Vì vậy cha mẹ hãy thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của con bằng cách đặt câu hỏi về sở thích và những việc không thích của con, người mà con hay đi chơi, nói chuyện cùng, những điều làm con thấy vui vẻ, hứng thú. Cha mẹ hãy ghi nhớ và ghi chú lại tất cả những thông tin này. Khi trẻ biết mẹ quan tâm và hiểu thế giới nội tâm của mình, trẻ sẽ càng dễ dàng mở lòng với cha mẹ và sẵn sàng lắng nghe nhiều hơn. Các bậc làm cha mẹ cần được hỗ trợ các nội dung trọng tâm như: Kiến thức, kỹ năng chăm sóc, bảo vệ con theo từng giai đoạn phát triển, đặc biệt là kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh và tuổi dậy thì của con; kiến thức về tình bạn, tình yêu để hỗ trợ, chia sẻ với con…

          Tình yêu của cha mẹ dành cho con luôn đầy ắp và vô điều kiện. Có những lúc con có phản ứng tiêu cực, các bậc phụ huynh hiểu đó là khi con muốn đấng sinh thành lắng nghe và hiểu con nhiều hơn.

          Giáo dục, bảo vệ trẻ em là nhiệm vụ quan trọng, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, gia đình luôn giữ vai trò hàng đầu, là yếu tố quyết định đến sự phát triển của trẻ. Qua buổi trao đổi, chia sẻ, mỗi chúng ta được bổ sung thêm các kiến thức, kỹ năng: hãy lắng nghe con nhiều hơn và dành thời gian cho con nhiều hơn, dẫu biết công việc đang rất bận rộn. Bản thân cũng cần kiên nhẫn và bình tĩnh khi con thể hiện thái độ phản kháng bực tức vì lúc đó con có thể đang loay hoay với chính mình.

S1959

Thông tin liên hệ

Thông tin liên hệ