Điểm tin ngày 25/10/2023
Báo Công thương có bài: Cảnh giác với hàng giả, kém chất lượng dịp cuối năm.
https://congthuong.vn/hung-yen-canh-giac-voi-hang-gia-kem-chat-luong-dip-cuoi-nam-280828.html
Vào thời điểm cuối năm, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại thường diễn ra rất phức tạp. Bởi vậy, lực lượng Quản lý thị trường luôn phải căng mình để ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.
Theo Cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên, qua công tác đấu tranh hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại trong thời điểm cận kề Tết và những ngày lễ cuối năm cho thấy, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại tập trung chủ yếu các mặt hàng tiêu dùng phục vụ Tết và các mặt hàng cấm như pháo nổ, thuốc lá, động vật hoang dã, lương thực, thực phẩm, rượu bia, bánh kẹo, đường, sữa, mỹ phẩm, thuốc lá, hàng điện máy, điện tử, đồ gia dụng, thời trang, đồ chơi trẻ em….
Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh, các loại cúm, sốt xuất huyết…vẫn diễn ra hết sức phức tạp, việc này dẫn đến nhu cầu mua các mặt hàng phục vụ việc bảo vệ sức khỏe như thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, thiết bị y tế cũng có sự gia tăng đột biến. Vì vậy, các đối tượng buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ tập trung vào các mặt hàng trên để tổ chức buôn bán phi pháp, thu lợi bất chính.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức trong việc mua bán, tiêu dùng hàng hóa theo đúng các quy định của pháp luật, tránh việc vô tình hay cố ý tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Cùng với đó, người dân cần chú ý những dấu hiệu để nhận biết sản phẩm là hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.
Báo An ninh Thủ đô có bài: Cảnh giác với chiêu trò “việc nhẹ lương cao”, lừa nạn nhân sử dụng ma túy rồi bán ra nước ngoài.
Theo Cục An toàn Thông tin (Bộ TT-TT), chiêu trò “việc nhẹ lương cao” tiếp tục xuất hiện trong thời gian gần đây. Đối tượng được nhắm tới của kẻ lừa đảo là những người đang cần tìm việc làm, thanh niên trong độ tuổi lao động.
Khi nạn nhân “sập bẫy” vào công ty, các đối tượng lừa đảo nạn nhân cho sử dụng ma túy. Đến khi nạn nhân trở thành con nghiện phải lệ thuộc, chúng đưa nạn nhân đến cửa khẩu biên giới Việt Nam – Campuchia bán cho các đối tượng người nước ngoài với giá 20-30 triệu đồng/ người.
Gia đình các nạn nhân muốn chuộc người về phải trả cho bọn chúng khoản tiền rất lớn.
Thực tế thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá nhiều vụ án liên quan đến hình thức lừa đảo này. Số người bị “mắc bẫy” lên tới hàng trăm người.
Từ các vụ việc trên, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần tỉnh táo kết bạn, tìm việc qua mạng, nhất là khi thông tin về công việc không rõ ràng hoặc quá hứa hẹn. Đặc biệt cảnh giác khi cung cấp thông tin, làm theo hướng dẫn của người lạ để tránh tiền mất tật mang.
Báo điện tử Vnexpress có bài: Quát mắng có hại cho trẻ như thế nào.
https://vnexpress.net/quat-mang-co-hai-cho-tre-nhu-the-nao-4668408.html
Những lời la hét, chửi mắng và đe dọa bằng có thể gây tổn thương cho trẻ ngang với hành vi lạm dụng tình dục.
Đây là kết quả nghiên cứu được công bố đầu tháng 10 trên tạp chí Child Abuse and Neglect của nhóm các nhà khoa học thuộc ĐH Wingate (Mỹ) và Khoa ngôn ngữ và Tâm lý thuộc ĐH London (Anh). Các chuyên gia cho rằng vấn đề bạo hành bằng ngôn từ cần được xem như một hình thức ngược đãi để tìm ra các phương pháp bảo vệ trẻ.
Ngược đãi trẻ em được chia làm bốn loại gồm lạm dụng thể chất, lạm dụng tình dục, lạm dụng tình cảm và lạm dụng lời nói. Không giống như những hình thức khác, lạm dụng lời nói thường biểu hiện công khai nhưng dễ bị bỏ qua nên được các chuyên gia đặc biệt lưu ý.
Giáo sư Shanta Dube – giám đốc chương trình y tế cộng đồng, Đại học Wingate cho rằng bạo lực lời nói sẽ để lại hậu quả tiêu cực suốt đời. Hành động la hét, mắng nhiếc của bố mẹ, giáo viên, huấn luyện viên xảy ra liên tục trong thời ấu thơ sẽ khiến trẻ có biểu hiện dễ tức giận, trầm cảm và sa sút tinh thần.
Tổ chức Words Matter đề nghị người lớn tránh la hét, lăng mạ, hạ thấp tự trọng của trẻ trong các cuộc trò chuyện. Họ cần suy nghĩ kỹ trước khi nói và dành thời gian chữa lành cảm xúc trẻ nếu lỡ có lời gây tổn thương.
P.TT&TT (TH)