Điểm tin ngày 25/04/2023
Báo Vietnamnet có bài: Mối lo bị ‘giật’ đơn hàng: Đối thủ ngày càng mạnh, phải thay đổi để cạnh tranh.
Phải thừa nhận khi Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới, hàng Việt Nam đi khắp thế giới, cạnh tranh là không tránh khỏi. Ta phải chấp nhận cạnh tranh ngay tại “sân nhà”, cũng như cạnh tranh trên khắp thế giới, bởi rất nhiều sản phẩm chúng ta làm được thì nước khác cũng làm được.
Điển hình như dệt may Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, sang EU nhưng cũng phải chịu sự cạnh tranh của rất nhiều nước. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, ngoài ra có thể kể đến Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan,…
Cạnh tranh là đương nhiên, chúng ta phải chấp nhận, nhưng câu chuyện là làm sao để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đó bằng chất lượng, bằng giá cả hàng hóa.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vô cùng ảm đạm, để thúc đẩy lại hoạt động xuất, nhập khẩu, ta phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.
Đầu tiên là cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên, sự thực thời gian qua, cơ hội to lớn mà các FTA đem lại chưa được doanh nghiệp khai thác triệt để. FTA chỉ là điều kiện cần, vấn đề mấu chốt là phải nỗ lực vươn lên để hàng Việt có chất lượng tốt hơn, giá thành hạ hơn, khả năng đáp ứng đơn hàng nhanh hơn, chế độ phục vụ hậu mãi tốt hơn.
Ngoài ra, Ta phải đa dạng hóa, mở rộng ra các thị trường không quá lớn nhưng chưa buôn bán, giao thương nhiều như Tây Nam Á, Nam Mỹ, Bắc Âu, Đông Âu,… Đây đều là các thị trường còn rất nhiều tiềm năng.
Điểm cuối cùng nhưng có lẽ không kém phần quan trọng là chúng ta phải triển khai mạnh giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa. Có thể nói, thị trường nội địa tiềm năng không lớn nhưng cũng không nhỏ để các doanh nghiệp có thể làm một phần chỗ dựa, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Báo Pháp luật Việt Nam có bài: Ẩn họa đồ ăn vặt trước cổng trường.
https://baophapluat.vn/an-hoa-do-an-vat-truoc-cong-truong-post473549.html
Vụ việc một nhóm học sinh tiểu học có dấu hiệu ngộ độc sau khi ăn kem ống trước cổng trường tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam vừa qua đã lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về ẩn họa đồ ăn vặt.
Việc quản lý về an toàn thực phẩm đối với những mặt hàng này dường như chưa được chú trọng. Các mặt hàng thực phẩm như nem chua, xúc xích… thì đựng trong túi bóng, các loại hộp xốp và không rõ nguồn gốc, hạn sử dụng… Nhiều quán ăn vặt tại cổng trường đều bày bán giữa đường, chế biến tại chỗ, không có các biện pháp chống bụi bẩn, khói xe. Thậm chí, nhiều hàng quán còn bày bán đồ ăn sát cống rãnh, mương nước… tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe.
Mặc dù đã có những hồi chuông cảnh báo về tác hại của thực phẩm “đường phố” nhưng dường như nhiều phụ huynh và học sinh vẫn xem nhẹ điều này. Thực phẩm bẩn có thể nguy hiểm hơn chúng ta thường nghĩ. Ngoài các dấu hiệu ngộ độc trực tiếp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thì việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể, dễ dẫn đến các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì. Đặc biệt, đối với các món ăn chiên xào, việc tái sử dụng dầu ăn nhiều lần cũng gây ra hiểm họa cho sức khỏe khi lượng dầu cặn có hàm lượng chất acolein cao – gây hại cho gan, gây kích ứng niêm mạc dạ dày và là một trong những nguyên nhân gây ung thư.
Báo Tiền phong đưa tin: Xuất hiện nhiều biến thể phụ COVID-19: Nguy cơ tăng cấp độ nguy hiểm.
BS Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc HCDC TP.HCM, cho biết, theo số liệu thống kê, khoảng 1 tháng qua, các trường hợp mắc COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại trên địa bàn thành phố. Nếu tháng 3 trung bình mỗi ngày thành phố chỉ ghi nhận từ 1 – 3 ca mắc thì sang nửa đầu tháng 4 đã tăng lên trên dưới 10 trường hợp mỗi ngày. Hiện nay số ca mới mắc trong một ngày đã tăng lên trên dưới 50 trường hợp. Dự báo, số bệnh nhân mắc COVID-19 sẽ tiếp tục tăng thời gian tới, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh quay trở lại, ngành y tế khuyến cáo cộng đồng cần tuân thủ nghiêm quy định 2K (khẩu trang, khử khuẩn) và tiêm đủ vắc xin khi đến lịch hẹn. Nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao của dịch COVID-19 gồm người lớn tuổi, người có bệnh lý nền, phụ nữ mang thai cần chủ động tiêm phòng để tránh nguy cơ nhiễm bệnh.
P.TT&TT (TH)