Điểm tin ngày 24/04/2023
Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam có bài: Thương hiệu “xanh”- xu hướng và lợi ích cho doanh nghiệp.
https://vov.vn/kinh-te/thuong-hieu-xanh-xu-huong-va-loi-ich-cho-doanh-nghiep-post1015797.vov
Hiện nay, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước. Thực tế cho thấy thương hiệu xanh đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Theo các chuyên gia, sản xuất xanh chính là yêu cầu tiên quyết khi thâm nhập thị trường các nước trên thế giới và tham gia vào các hiệp định như CPTPP, EVFTA… bởi những hiệp định thương mại này đều có những quy định cao về tiêu chuẩn môi trường. Vì vậy, thực hiện tốt sản xuất xanh cũng là một cơ hội để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu hay Nhật Bản…
Sau đại dịch, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang có thay đổi lớn, người tiêu dùng quan tâm hơn đến vấn đề sức khỏe khi ưu tiên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, dán nhãn “xanh” “sạch” được sản xuất từ nguyên liệu thân thiện với môi trường.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định: “Chúng ta phải thay đổi sản phẩm nhưng mà phải tính đến yếu tố công nghệ, tính đến yếu tố xanh. Như vậy, không chỉ là thay đổi quản trị mà lại thay đổi sản phẩm. Tôi phải nói hiện nay, nếu khái niệm về sản phẩm phải có 3 yếu tố thì mới gọi là sản phẩm hoàn chỉnh.
Báo điện tử VTVNews có bài: Cẩn trọng với sản phẩm “sở hữu kỳ nghỉ”.
https://vtv.vn/kinh-te/can-trong-voi-san-pham-so-huu-ky-nghi-20230423202436148.htm
Thời điểm này đang là mùa cao điểm du lịch hè. Do đó, nhiều các sản phẩm du lịch hấp dẫn được giới thiệu đến với người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, bên cạnh những sản phẩm chất lượng, cũng có những sản phẩm được quảng cáo hấp dẫn với khuyến mãi lớn, thu hút người tiêu dùng, nhưng thực tế, khi sử dụng sản phẩm, người dùng sẽ phải đóng thêm nhiều khoản phí còn cao hơn sản phẩm không khuyến mãi.
Theo luật gia Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, thời gian qua đơn vị này nhận được nhiều khiếu nại về sản phẩm “sở hữu kỳ nghỉ”. Ví dụ như công ty đó đưa ra danh sách các khách sạn 5 sao, nhưng khi khách hàng muốn đi thì với lý do là không còn phòng, không có khách sạn, công ty tự chuyển qua khách sạn khác hoặc địa điểm khác… Theo bà Thu, những hợp đồng sản phẩm như thế này tồn tại rất nhiều điều khoản bất lợi cho người tiêu dùng.
Theo bà Thu, với số lượng khách hàng khiếu nại ngày càng nhiều, đã có trường hợp công ty đó giải thể và biến mất. Khi đó khách hàng không thể tìm được công ty để kiện hay lấy lại tiền. Vì vậy, bên cạnh sự kiểm tra, quản lý của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng.
Báo Hà Nội mới có bài: Ma túy ”núp bóng” thực phẩm – hệ lụy khôn lường.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1062249/ma-tuy-nup-bong-thuc-pham—he-luy-khon-luong
Qua công tác nắm tình hình, đấu tranh với tội phạm ma túy, mới đây, Công an thành phố Hà Nội đã đưa ra cảnh báo, các đối tượng phạm tội thường pha trộn ma túy trong thực phẩm, đồ uống chủ yếu để thuận lợi trong giao dịch, mua bán, vận chuyển nhằm đối phó với sự kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng cũng như đáp ứng nhu cầu của khách hàng dễ cất giấu mà người thân không phát hiện được. Việc sử dụng thực phẩm chứa chất ma túy cũng gây hại lên cơ thể người sử dụng tương tự như sử dụng ma túy trực tiếp.
Để ngăn chặn những hiểm họa khôn lường khi ma túy “núp bóng” thực phẩm, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho rằng, vấn đề đưa ma túy vào thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm được giới trẻ, học sinh, sinh viên yêu thích đang trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Các thực phẩm trộn ma túy thường có giá cao hơn gấp nhiều lần so với thực phẩm thông thường. Do đó, bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, mọi người, nhất là giới trẻ, cần cảnh giác và tìm hiểu kỹ những thứ đồ mình ăn uống, sử dụng. Khi mua hàng, cần đọc kỹ những thông tin, thành phần ghi trên vỏ bao bì. Còn với gia đình, ngay khi phát hiện con em mình sử dụng chất gây nghiện cần tỏ rõ thái độ và đồng hành để thay đổi hành vi của trẻ. Hầu hết trẻ vị thành niên sử dụng chất gây nghiện do stress hoặc muốn thể hiện bản thân. Vì vậy, gia đình cần quan tâm đến những thay đổi về tâm sinh lý của con em mình để trẻ không sử dụng và tái sử dụng chất gây nghiện.
P.TT&TT (TH)