Điểm tin ngày 22/09/2022
Ảnh: Anh Tú
Báo điện tử VTVNews có đưa tin: Cảnh báo tin nhắn mạo danh nhà trường yêu cầu phụ huynh đóng tiền học phí.
Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (quận 10, TP Hồ Chí Minh) vừa cảnh báo về việc tin nhắn lừa đảo phụ huynh học sinh đóng tiền đầu năm. Theo đó, đối tượng lừa đảo mạo danh nhà trường để yêu cầu phụ huynh đóng tiền trực tiếp qua tài khoản cá nhân.
Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám xác nhận không có các thông báo đóng học phí qua Zalo hoặc bất kỳ tin nhắn nào khác ngoài thông tin Sổ Liên Lạc điện tử của nhà trường. Mọi thông tin báo thu sẽ được báo trực tiếp với học sinh, giáo viên chủ nhiệm.
Hiện lãnh đạo Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám đã báo cáo sự việc với Phòng GD-ĐT quận 10 để quận có cảnh báo chung về việc kẻ gian mạo danh nhà trường để lừa đảo phụ huynh học sinh.
Báo điện tử VOVNews có bài: Trẻ mắc bệnh hô hấp gia tăng ở Hà Nội.
https://vov.vn/xa-hoi/tre-mac-benh-ho-hap-gia-tang-o-ha-noi-post957303.vov
Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), khoảng 1 tháng nay, số trẻ nhập viện tăng nhanh, chủ yếu mắc các bệnh viêm phế quản, viêm phổi, sốt xuất huyết, trong đó, một số trẻ mắc viêm phổi do virus Adeno.
Theo BS Vũ Thị Mai, Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, với trẻ mắc bệnh hô hấp điều trị tại nhà, cha mẹ lưu ý cách vệ sinh đường hô hấp trên cho trẻ ở mũi, họng – nơi vi khuẩn, virus dễ bám đầu tiên, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ như ăn đủ vi chất, cho trẻ ngủ đúng giờ, nên cách ly với các trẻ đã có triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm.
“Có những thủ thuật vệ sinh đường họng nên thực hiện hằng ngày cho trẻ, trong đó có sử dụng xịt họng. Nếu trẻ đã có triệu chứng mũi màu xanh thì nên rửa mũi hằng ngày cho trẻ bằng nước muối. Nếu không có triệu chứng thì cũng không nên rửa, tránh tình trạng bơm rửa mũi nhiều cho trẻ nếu không biết cách sẽ vô tình đẩy các tác nhân sang các xoang bên trong như xoang mũi, vào tai giữa”, BS Mai khuyến cáo.
Cũng theo chuyên gia nhi khoa này, nếu cha mẹ nào chưa có kinh nghiệm và không có máy hút thì với vùng mũi chỉ nên hút nếu trẻ có mũi, vùng họng sử dụng dung dịch vệ sinh như muối, muối nước biển sâu, xịt họng có thể xịt 3-4 lần/ngày. Bên cạnh đó, không nên chiều theo ý trẻ là không đánh răng, không vệ sinh họng.
Báo Thanh niên có bài: Nguy hiểm khi để trẻ ngồi trước người điều khiển xe máy.
https://thanhnien.vn/nguy-hiem-khi-de-tre-ngoi-truoc-nguoi-dieu-khien-xe-may-post1502312.html
Các bác sĩ Khoa Cấp cứu – Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) vừa tiếp nhận điều trị một bé gái 4 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng đa chấn thương nặng. Tai nạn do xe máy lao vọt về trước khi bé tự vặn tay ga khi được người lớn cho ngồi phía trước.
TS-BS Đặng Ánh Dương thông tin ngoài trường hợp nêu trên, trong tháng 8.2022, khoa điều trị tích cực ngoại đã tiếp nhận một số trẻ từ 11 – 15 tuổi nhập viện điều trị do ngã xe đạp và xe đạp điện gây chấn thương gan, chấn thương tụy, thậm chí có trường hợp bị dập ruột. Gần đây nhất là một trẻ 11 tuổi phải cắt đôi gan do bị tai nạn khi đi xe đạp điện.
Qua đây, các BS lưu ý hiện khá phổ biến tình huống phụ huynh để trẻ em ngồi phía trước hoặc đứng trên phần để chân của xe tay ga mà không đeo đai thắt an toàn khi đang điều khiển xe máy.
Do đó, khi cho trẻ tham gia giao thông, cha mẹ lái xe với tốc độ ổn định vừa phải, mang đai chắc chắn nối giữa người lái với trẻ nhỏ. Đặc biệt, với trẻ nhỏ 1 – 2 tuổi, an toàn nhất là để trẻ ngồi giữa 2 người lớn. Tuyệt đối không cho trẻ ngồi trước người điều khiển xe máy. Cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
S1959 (Tổng hợp)