Điểm tin ngày 22/02/2022
Ảnh: Anh Tú
Báo điện tử VTV News đưa tin: Thuốc kháng virus sản xuất tại Việt Nam sẵn sàng ra thị trường.
Nhiều hệ thống nhà thuốc lớn đã ký hợp đồng đặt mua thuốc kháng virus từ các công ty sản xuất của Việt Nam, sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân.
Thông tin Bộ y tế cấp phép lưu hành 3 loại thuốc kháng virus có chứa hoạt chất Molnupiravir – sản xuất tại Việt Nam, đã nhận được sự quan tâm lớn của người dân.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, số ca đang tăng cao ở nhiều tỉnh thành, việc thuốc kháng virus đưa vào lưu hành sẽ góp phần giúp cho người bệnh có nguồn thuốc điều trị khi mắc bệnh.
Hiện các đơn vị sản xuất thuốc kháng virus này cũng đang tăng tốc sản xuất, sẵn sàng cung ứng ra thị trường.
Đơn vị sản xuất thuốc Movinavir 200mg này cho biết, ngay khi bùng phát dịch, công ty đã trực tiếp liên hệ với các nhà sản xuất tại Ấn Độ để thực hiện các quy trình nghiên cứu, nhập nguyên liệu để sản xuất. Công suất hiện tại mỗi tháng công ty có thể sản xuất trên 120 triệu viên/tháng và có thể tăng công suất.
Còn với đơn vị sản xuất thuốc Molravir 400mg, các công đoạn sản xuất cũng đang hối hả. Công ty cho biết với hơn 10.000 khách hàng là các nhà thuốc, khi được phép bán ra thị trường, công ty ngay lập tức có thể cung ứng.
Việc thuốc kháng virus sản xuất tại Việt Nam được cung ứng ra thị trường, theo các chuyên gia sẽ góp phần hạn chế tình trạng người dân mua các loại thuốc “trôi nổi”, đặc biệt là góp phần ngăn chặn nguy cơ biến chứng nặng của các F0.
Các đơn vị sản xuất cũng cho biết đã kê khai giá thành đến Cục quản lý dược, Bộ Y tế.
Báo Thanh niên có bài: Giảm thời gian cách ly tại nhà các F1 tiêm đủ liều vắc xin.
https://thanhnien.vn/giam-thoi-gian-cach-ly-tai-nha-cac-f1-tiem-du-lieu-vac-xin-post1431777.html
Ngày 21.2, Bộ Y tế có Công văn 762/BYT-DP gửi các sở y tế về “cách ly y tế đối với ca bệnh Covid-19 và các trường hợp tiếp xúc gần”.
Theo đó, F1 đã tiêm đủ ít nhất 2 liều vắc xin phòng Covid-19 (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày), hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 3 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1, thực hiện cách ly y tế 5 ngày (rút ngắn 2 ngày so với quy định cũ) tại nhà, nơi lưu trú hoặc khu vực đủ điều kiện cách ly khác; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR, kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày cách ly thứ 5 do nhân viên y tế thực hiện, hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 5 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp) thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi, xét nghiệm và xử trí.
Những F1 chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19: thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú hoặc các khu vực đủ điều kiện cách ly khác; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày cách ly thứ 7 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người cách ly tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế.
Báo Hà Nội mới có bài: Sẵn sàng nguồn lực để tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi, sớm đưa học sinh trở lại trường.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi có hướng dẫn. Cùng với đó, sớm đưa học sinh trở lại trường để tổ chức dạy, học trực tiếp, đồng thời chủ động các biện pháp xử lý khi có F0, F1 trong trường học một cách phù hợp, tránh xử lý cực đoan.
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng Covid-19 “thần tốc hơn nữa”; đảm bảo bao phủ liều bổ sung, liều nhắc lại cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên và đủ liều cơ bản cho các đối tượng từ 12-17 tuổi. Đặc biệt, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn. Bên cạnh đó, tổ chức tiêm chủng tại nhà cho những đối tượng khó khăn trong việc di chuyển.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Cụ thể, các địa phương cần phải nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trong trường học.
S1959 (Tổng hợp)