Điểm tin ngày 19/09/2022
Ảnh: Anh Tú
Báo Tiền Phong có bài: Hàng loạt doanh nghiệp thiếu đơn hàng: Công nhân chật vật vì giảm thu nhập.
Theo bà Trần Thị Thùy Trâm, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, vào thời điểm này mọi năm, các DN ngành may mặc, giày da đều tuyển dụng rầm rộ nhưng riêng năm nay, nhu cầu này đã giảm mạnh từ tháng 6 đến nay do các DN bị giảm hoặc không có đơn hàng.
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại nhiều khu nhà trọ ở Bình Dương, số công nhân thuê trọ giảm gần phân nửa. Ông Huỳnh Văn Hót (chủ một khu nhà trọ) cho biết, công nhân báo khoảng gần 3 tháng nay ít việc làm. Ban đầu không tăng ca, sau đó giảm giờ làm, rồi nhiều công nhân phải nghỉ việc. Có người cố bám trụ lại, nhưng hai tháng không tìm được việc làm nên họ về quê. “Công nhân trả phòng về quê nên gần một nửa số phòng ở đây đang trống”, ông Hót nói.
Theo Sở Lao động Thương binh và xã hội Đồng Nai, tình hình sản xuất của một số DN đang gặp nhiều khó khăn. So với cùng kỳ năm trước, nhu cầu tuyển dụng của DN giảm sút đáng kể. Do ảnh hưởng của cuộc chiến tại Ukraine, biến động giá xăng dầu, nguồn cung nguyên vật liệu, xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng… khiến các DN ngành may mặc, da giày, chế biến gỗ, điện tử bị giảm đơn hàng. Một số DN lớn đã phải có phương án cho lao động nghỉ luân phiên trong quý III, quý IV/2022.
Báo Hà Nội mới có bài: Tỉnh táo để không “nối giáo cho giặc”.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chong-tu-dien-bien/1042405/tinh-tao-de-khong-noi-giao-cho-g
Thời gian qua, lấy danh nghĩa “thư ngỏ”, “phản biện xã hội”, một số phần tử cơ hội, bất mãn chính trị trong và ngoài nước đã phát tán nhiều nội dung xuyên tạc, thổi phồng mặt trái của nước ta ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng – văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao…
Đặc biệt, dưới sự lan truyền nhanh của mạng xã hội, không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tin điều đó thông qua nhiều bình luận, phát tán rộng rãi trên tài khoản mạng xã hội của cá nhân, không khác gì việc “nối giáo cho giặc”.
Vì vậy trước hết, các cơ quan quản lý được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cần đẩy mạnh theo dõi, nắm chắc tình hình trên internet và mạng xã hội để chủ động có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn từ sớm, từ xa với những thông tin, luồng dư luận sai trái. Đồng thời, xử phạt nghiêm minh các đối tượng tung tin đồn thất thiệt.
Ngoài ra, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống. Đồng thời, cảnh giác, đánh giá đúng thực chất và tác hại của những biểu hiện hạ thấp, phủ nhận thành quả cách mạng, kịch liệt lên án và phản bác lại những thông tin thổi phồng mặt trái xã hội.
Trước mọi thông tin, mỗi người cần có một cái nhìn khách quan, toàn diện để khi tiếp cận và nhận thức cho đúng đâu là thông tin chính thống, đâu là những thông tin sai lệch, chủ quan, phiến diện.
Báo điện tử VTVNews có đưa tin: Đột quỵ đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa.
https://vtv.vn/xa-hoi/dot-quy-dang-ngay-cang-co-xu-huong-tre-hoa-20220918191102889.htm
Đột quỵ là căn bệnh xếp thứ hai trong các nguyên nhân gây tử vong, chỉ đứng sau tim mạch. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân, 50% trong số đó không thể qua khỏi. Đáng báo động hơn, đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng ngày càng gia tăng.
Theo bác sĩ Trần Đăng Huân, Đơn nguyên Đột quỵ, Khoa Hồi sức Tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn: “Châm cứu hay xoa bóp gần như không có tác dụng gì, quan trọng là khi có những triệu chứng cần đến ngay các bệnh viện để đánh giá. Dù chỉ là tê bì nhẹ hoặc có yếu liệt nên đến bệnh viện sớm nhất trong 3 tiếng đầu tiên, là giờ vàng đột quỵ”.
Ghi nhận tại các bệnh viện, số lượng bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi mắc đột quỵ đều tăng từ 20-25%, tăng gấp đôi so với những năm trước. 76% người bệnh nhập viện muộn sau 6 giờ khởi phát của bệnh, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự chủ quan, bỏ qua các dấu hiệu nhận biết.
Đột quỵ là căn bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu như ngay từ bây giờ chúng ta có ý thức bảo vệ sức khoẻ và xây dựng một lối sống lành mạnh.
S1959