Điểm tin ngày 19/04/2023
Báo điện tử Vnexpress đưa tin: Hà Nội yêu cầu đeo khẩu trang tại nơi đông người.
https://vnexpress.net/ha-noi-yeu-cau-deo-khau-trang-tai-noi-dong-nguoi-4595164.html
Trước bối cảnh số ca Covid-19 trên địa bàn tăng nhanh, tối 18/4 UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang theo hướng dẫn ngày 6/9/2022 của Bộ Y tế. Cụ thể, trên phương tiện giao thông công cộng, hành khách, tài xế, nhân viên phục vụ phải đeo khẩu trang.
Tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, quy định bắt buộc đeo khẩu trang áp dụng với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động tiếp xúc trực tiếp với khách hàng…
Tại các cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện đông người, nhân viên phục vụ, người quản lý và người tham dự cũng phải đeo khẩu trang.
Thành phố yêu cầu các cơ quan không mất cảnh giác, nắm bắt tình hình dịch bệnh để có phương án kịp thời; đẩy mạnh tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine; tăng cường kiểm tra phòng, chống dịch Covid-19 đối với cơ sở kinh doanh, tổ chức sự kiện, dịch vụ.
5 ngày qua, Hà Nội ghi nhận số ca nhiễm cao nhất cả nước, trung bình 96 ca/ngày, trong đó 30-50 ca nhập viện chủ yếu là người cao tuổi, mắc bệnh lý nền, còn lại được điều trị tại nhà. 566 bệnh nhân đang được điều trị ở các cơ sở y tế, trong đó 27 ca nặng phải thở ôxy qua kính hoặc mặt nạ, 2 bệnh nhân thở máy.
Báo Dân trí có bài: Phát hiện kẹo ngậm Hamer bán tại TPHCM và Shopee có chất gây đột tử.
Cơ quan chức năng cảnh báo, chất cấm tadalafil phát hiện trong kẹo ngậm Hamer nếu sử dụng không đúng sẽ gây nguy cơ nhồi máu cơ tim, tử vong đột ngột do bệnh tim, đau thắt ngực không ổn định…
Ngày 18/4, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM cho biết, từ thông tin phản ánh của khách hàng, cơ quan này đã mua một số mẫu thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được bán trên thị trường để kiểm tra khảo sát chất cấm trong thành phần.
Có một mẫu kẹo ngậm tên Hamer 37F82K chứa sildenafil citrat, với hàm lượng từ 17,77-34,56 mg/1 viên và một mẫu kẹo ngậm Hamer 621 chứa nortadalafil.
Hàm lượng tadalafil phát hiện trong kẹo Hamer được cơ quan chức năng xác định gấp khoảng 5-15 lần liều tối đa quy định. Nếu sử dụng không đúng sẽ gây nguy cơ dẫn đến các biến chứng tim mạch cho người dùng, bao gồm nhồi máu cơ tim, tử vong đột ngột do bệnh tim, đau thắt ngực không ổn định…
Trong khi đó, nortadalafil là chất có cấu trúc tương tự tadalafil, nhưng hiện nay chưa được sử dụng làm thuốc và chưa được đánh giá về an toàn khi sử dụng.
Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM đề nghị Cơ quan Quản lý An toàn Thực phẩm và Quản lý thị trường quan tâm, vào cuộc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và có sự quản lý với sản phẩm trên, để tránh nguy hiểm đến tính mạng cho người dùng.
Báo điện tử VOVNews có bài: “Cai nghiện” TikTok cho con trẻ cần giải pháp từ nhiều phía.
https://vov.vn/xa-hoi/cai-nghien-tiktok-cho-con-tre-can-giai-phap-tu-nhieu-phia-post1014480.vov
Theo nhiều chuyên gia, không gian internet cũng giống như xã hội thực đều có mặt tốt mặt xấu. Nền tảng mạng xã hội bên cạnh những tác động tích cực thì cũng có những ảnh hưởng tiêu cực. Một công cụ tốt hay xấu là do người dùng, tuy nhiên nếu nó tạo điều kiện thuận lợi cho cái xấu dễ hơn thì sẽ phải kiểm soát, điều chỉnh để tồn tại. Đặc biệt với đối tượng trẻ em, cần có giải pháp để ngăn chặn ảnh hưởng xấu của nền tảng này với trẻ em.
Theo khuyến cáo, trẻ em chỉ nên sử internet 2-3 giờ/ngày, song thực tế hiện nay, trẻ em Việt Nam sử dụng 5-7 giờ/ngày, gấp đôi so với khuyến cáo. Thời gian sử dụng internet chủ yếu của trẻ là tham gia mạng xã hội xem các video. Khi thời gian xem internet kéo dài sẽ làm giảm thời gian vận động của trẻ trong thực tế, dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học, cai “nghiện” dù là internet hay mạng xã hội… đều không hề dễ dàng. Một điều rất quan trọng là không dừng hoạt động chơi game, sử dụng mạng xã hội… đột ngột.
Cùng với đó, tăng cường các hoạt động thể chất như chơi thể thao, làm cho bản thân bận rộn. Rảnh rỗi sẽ khiến trẻ không biết làm việc gì ngoài việc đắm chìm trong trò chơi, mạng xã hội để giết thời gian. Những hoạt động này nên có sự đồng hành của gia đình, người thân và bạn bè thì hiệu quả sẽ tốt hơn nhiều.
Đồng quan điểm, ông Ngô Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty An ninh mạng thông minh SCS cho biết, trước các nguy cơ hiện hữu của mạng xã hội, mấu chốt để bảo vệ trẻ em là sự đồng hành của gia đình, phụ huynh trong việc cùng con sử dụng internet.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp căn cơ để người dùng không nghiện Internet, mạng xã hội hay “tiếp tay” cho thông tin xấu độc chính là nâng cao nhận thức của người dùng. Người dùng phải tham gia mạng xã hội với tâm thế chủ động, hiểu biết, không bị “thế giới ảo” dẫn dắt và phạm sai lầm.
P.TT&TT (TH)