Điểm tin ngày 19/03/2022
Báo Tin tức có bài: Chi phí tăng cao, dệt may cạnh tranh khốc liệt.
https://baotintuc.vn/kinh-te/chi-phi-tang-cao-det-may-canh-tranh-khoc-liet-20220317150652804.htm
Bên cạnh hàng loạt thách thức từ nội tại như chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với mức trung bình 5 năm trở lại đây; bất lợi về tỷ giá thì ngành dệt may đối diện nhiều thách thức khi nhiều đối thủ cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021.
Bộ Công Thương nhận định, thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến quý 3/2022 nhưng chưa thể dự đoán được thị trường sẽ thế nào sau đó vì phụ thuộc rất nhiều vào tình hình dịch. Ngoài ra, theo nhận định của các chuyên gia, dù thị trường dệt may khởi sắc nhưng nhiều đối thủ của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ… cũng tăng tốc và có nhiều nỗ lực để bù đắp những thiếu hụt về kim ngạch trong năm 2021.
Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng ngành hàng dệt may gia công cho các nhãn hàng lớn trên thế giới đã tiếp nhận những yêu cầu “xanh hóa trong sản xuất” như thực hiện trách nhiệm xã hội, môi trường và cắt giảm phát thải. Đây cũng là những tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế. Rào cản lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp là khoản đầu tư lớn khi đầu tư máy móc, công nghệ.
Liên quan đến việc “xanh hóa” ngành dệt may, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, toàn ngành đặt ra kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.
Ngành dệt may mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” để ngành có thể tự túc nguyên phụ liệu, đáp ứng quy tắc xuất xứ của các Hiệp định thương mại tự do…
Báo Thanh niên có bài: Tự điều trị Covid-19 tại nhà cho con bạn, khi nào cần gọi bác sĩ?
Trẻ nhiễm Covid-19 có đến một nửa là không có triệu chứng. Rất ít trẻ bị bệnh nặng.
Các triệu chứng nhiễm Covid-19 phổ biến nhất là ho và sốt. Các triệu chứng khác có thể bao gồm sổ mũi, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, đau đầu, nghẹt mũi, đau họng.
Thông thường, trẻ có thể được chăm sóc an toàn tại nhà theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.
Khi chăm sóc trẻ nhiễm Covid-19 tại nhà, bạn nên chú ý một số điều sau:
- Cho bé uống nhiều nước, nếu bé không chịu uống nước, bạn có thể cho bé uống nhiều lần từng ít một.
- Cho bé nghỉ ngơi và không hoạt động quá sức.
- Chỉ sử dụng paracetamol nếu bé bị đau hoặc sốt
- Theo dõi để biết các dấu hiệu cho thấy bệnh của bé đang trở nặng.
Theo dõi tình trạng của con bạn và gọi cho bác sĩ nếu thấy bất kỳ điều nào sau đây:
- Sốt dai dẳng hơn 39°C hoặc sốt kéo dài đến 24 giờ, uống thuốc hạ sốtkhông thuyên giảm
- Khó thở nhẹ, thở nhanh, tim đập nhanh
- Không uống nước được – uống ít hơn một nửa so với bình thường
- Giảm lượng nước tiểu, đi ít hơn một nửa so với bình thường
- Đau bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy
- Mệt mỏi bất thường, không thể đứng hoặc đi
- Đỏ hoặc sưng môi và lưỡi
- Đỏ hoặc sưng bàn tay, bàn chân
- Đau đầu nhiều, chóng mặt hoặc choáng váng
- Sưng hạch
Nếu con bạn bệnh nghiêm trọng, khó thở nặng, đau tức ngực nhiều, đau bụng dữ dội, mất nước nghiêm trọng hoặc mê man, ngất xỉu, môi hoặc móng tay tím tái, hãy gọi cấp cứu ngay.
Báo điện tử VTV News có bài: Cấp độ dịch mới nhất của cả nước như thế nào?
https://vtv.vn/xa-hoi/cap-do-dich-moi-nhat-cua-ca-nuoc-nhu-the-nao-20220319053450465.htm
Cập nhật đánh giá cấp độ dịch COVID-19 mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, gần 60% xã, phường thuộc ”vùng vàng, cam và đỏ”, trong đó ”vùng cam” chiếm khoảng 1 nửa.
Ngày 17/3, theo thống kê của Bộ Y tế có 5 tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh nhiều nhất là: Hà Nội (25.311), Nghệ An (10.511), Lào Cai (9.574), Phú Thọ (7.867), Bắc Ninh (5.020).
Tại Hà Nội, địa phương liên tục thời gian qua dẫn đầu cả nước về số ca mắc COVID-19, đánh giá cấp độ dịch COVID-19 mới nhất cập nhật đến 9h ngày 4/3 của thành phố cho thấy, ở quy mô xã, phường, thị trấn, Hà Nội đã có 326 xã phường ở cấp độ 3 (tăng gấp khoảng 4,5 lần so với đánh giá được thông báo ngày 26/2); số xã phường ”vùng xanh” (cấp độ 1) giảm còn 66; 187 xã phường cấp độ 2; chưa có xã phường nào cấp độ 4.
Hồng Hạnh (TH)