Điểm tin ngày 15/11/2022
Ảnh: Anh Tú
Báo An ninh Thủ đô có bài: Báo động tình trạng dữ liệu, thông tin của người dùng Việt bị rao bán.
Khoảng 2 tuần nay, một diễn đàn của giới hacker liên tục đăng bài rao bán thông tin dữ liệu cá nhân của người Việt Nam. Theo đó, có khoảng 16.100 dữ liệu được cho là người dùng của một doanh nghiệp chuyên xây dựng nền tảng công nghệ nhằm hỗ trợ việc bán lẻ và thương mại điện tử bị rao bán.
Các thông tin của người dùng rao bán gồm: tên, email, địa chỉ, số điện thoại…
Trước đó, một diễn đàn chuyên mua bán dữ liệu khác của hacker cũng rao bán thông tin CMND/CCCD của gần 10.000 người dân Việt Nam.
Để ngăn chặn tình trạng này, hiện Bộ TT-TT đang đề nghị Bộ Công an đang hoàn thiện, trình ban hành Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tiến tới xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Trong khi quy định pháp luật về việc bảo vệ thông tin cá nhân vẫn đang hoàn thiện, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe, trách nhiệm của bên thứ ba khi sử dụng thông tin người dùng chưa rõ ràng thì người dùng vẫn lơ là trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của mình.
Việc tiết lộ, chia sẻ thông tin cá nhân khi mua hàng trực tuyến, trực tiếp đã vô tình tạo điều kiện cho kẻ xấu lợi dụng. Do đó, cùng với việc hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân, người dùng cần thận trọng tự bảo vệ mình trước khi trở thành nạn nhân.
Báo Hà Nội mới có bài: “nóng” chuyện chống hàng giả, hàng nhái.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1047469/nong-chuyen-chong-hang-gia-hang-nhai
Dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhưng hàng hóa tại Hà Nội ngày càng phong phú. Tuy vậy, đi cùng với đó là tình trạng các mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái được nhập về các cửa hàng một cách dồn dập. “Đến hẹn lại lên”, câu chuyện chống hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm vẫn chưa bao giờ hết “nóng”.
Không chỉ ở các chợ, cửa hàng, các “chợ” trên mạng cũng ngập tràn hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Điều đáng buồn là ngay cả hàng hóa thương hiệu Việt Nam cũng bị làm giả, làm nhái một cách trắng trợn. Điều đáng nói những sản phẩm làm giả nhưng có bao bì như hàng thật, rất khó phát hiện.
Trước các hành vi vi phạm một cách tinh vi của các đối tượng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm 2022, dịp Tết Dương lịch; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên đã yêu cầu các đơn vị kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm chất lượng. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng đồ chơi, quần áo thời trang may sẵn, vải; thực phẩm bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát nhập lậu, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm,…
Báo Người lao động có bài: Nhiều người thờ ơ, tiểu đường tăng nhanh.
https://nld.com.vn/suc-khoe/nhieu-nguoi-tho-o-tieu-duong-tang-nhanh-20221114201902535.htm
Đái tháo đường (tiểu đường) là căn bệnh diễn biến âm thầm nên nhiều người mắc mà không biết. Cứ 10 người được phát hiện mắc tiểu đường thì có 6 người rơi vào giai đoạn muộn phải cắt cụt chi, lở loét…
Theo dự báo, số ca mắc tiểu đường ở Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. “Tiểu đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia. Kết quả điều tra tại Việt Nam cho thấy có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc tiểu đường đã có biến chứng. Trong đó, 34% biến chứng về tim mạch; 39,5 biến chứng về mắt và thần kinh; 24% biến chứng về thận” – bà Liên Hương nhấn mạnh.
Trước những nguy cơ của bệnh tiểu đường, lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi toàn thể người dân hãy có trách nhiệm với sức khỏe của mình bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh: ăn uống và duy trì cân nặng hợp lý, sử dụng i-ốt trong bữa ăn hằng ngày, tăng cường vận động thể lực, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh tiểu đường để dự phòng, phát hiện sớm bệnh.
S1959 (Tổng hợp)