1900.636.628

Điểm tin ngày 15/05/2023

Báo Dân trí có bài: Hàng chục nghìn công nhân mất việc, ngành nghề nào đang là “tử địa”?

https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/hang-chuc-nghin-cong-nhan-mat-viec-nganh-nghe-nao-dang-la-tu-dia-20230514222233197.htm

Trong buổi làm việc giữa Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM vừa qua, lãnh đạo Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất thành phố (trên 50.000 người) cho biết, do đơn hàng sụt giảm nên đơn vị này có kế hoạch chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 10% nhân công trong thời gian tới.

Trước đó, tháng 2/2023, tình hình đơn hàng khó khăn, công ty đã phải cắt giảm 2.358 người lao động. Ngoài ra, từ tháng 11/2022, công ty này cũng phải cho gần 20.000 công nhân nghỉ việc luân phiên trong 2 ngày cuối tuần để đảm bảo ai cũng có việc làm.

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, trong 4 tháng đầu năm 2023, có 181 số doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Nguyên nhân do tác động, ảnh hưởng tiêu cực của tình hình thế giới, nguồn cung nguyên vật liệu, xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng, tình trạng lạm phát tại châu Âu và Bắc Mỹ buộc người dân phải cắt giảm tiêu dùng… Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến việc sản xuất, kinh doanh đơn hàng của các doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang cho hay, trên địa bàn có hơn 7.200 doanh nghiệp đang hoạt động, tương ứng 286.220 lao động. Điều đáng nói, số lao động giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công lắp ráp linh kiện điện tử, dệt may gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh phải cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động. Theo thống kê, trên địa bàn, đã có 27.506 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, trong đó số lao động mất việc làm là 18.230 người.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, có 3.786 lao động ở ngành dệt may, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ… bị ảnh hưởng tới việc làm. 

Báo Điện tử VTVNews có bài: Chủ động phòng bệnh khi giao mùa.

https://vtv.vn/suc-khoe/chu-dong-phong-benh-khi-giao-mua-20230514225555645.htm

Thời tiết giao mùa xuân hè, nhiệt độ trong ngày thay đổi liên tục, là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn phát triển, lây lan và gây bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

  1. Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch đối với các bệnh có vaccine phòng bệnh như COVID-19, sởi, thủy đậu, cúm…
  2. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường: Thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày…
  3. Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín; ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng.
  4. Rèn luyện thể lực, nghỉ ngơi hợp lý: tập thể dục đều đặn 30-60 phút mỗi ngày để nâng cao sức khỏe, có thể lựa chọn các bài tập phù hợp với thể trạng như đi bộ, đạp xe, đánh cầu lông…Bên cạnh đó ngủ đủ giấc, uống đủ nước cũng giúp cơ thể khỏe mạnh, đẩy lùi bệnh tật.
  5. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như COVID-19, sởi, cúm… Hạn chế đến những chỗ đông người.
  6. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Tạp chí Tri thức trực tuyến đưa tin: Miền Bắc sắp hứng chịu đợt nóng dài nhất từ đầu năm.

https://zingnews.vn/mien-bac-sap-hung-chiu-dot-nong-dai-nhat-tu-dau-nam-post1431166.html

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết miền Bắc duy trì trạng thái nhiều mây, tương đối mát trong ngày 15-16/5.

Từ ngày 17/5, miền Bắc nhiều khả năng bước vào đợt nắng nóng diện rộng kéo dài đến hết tuần. Nhiệt độ tại đồng bằng có thể tăng cao lên ngưỡng 35-37 độ C, trong khi nhiều nơi ở Tây Bắc Bộ tiếp tục nắng nóng gay gắt.

Trang Accuweather dự báo Hà Nội ghi nhận mức nhiệt tăng cao lên ngưỡng 35 độ C vào ngày 17/5. Những ngày tiếp theo, khu vực có thể ghi nhận mức nhiệt cao nhất lên tới 38 độ C, mức nắng nóng gay gắt.

Trạng thái trên duy trì ở Hà Nội nhiều ngày, có thể kéo dài đến hết ngày 25/5. Đây có thể là đợt nắng nóng diện rộng kéo dài nhất ở Hà Nội từ đầu năm đến nay.

Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ bắt đầu bước vào mùa mưa. Ngày 18-23/5, mưa dông có thể xuất hiện ở TP.HCM và các địa phương lân cận, tập trung về chiều và tối. Nắng nóng cũng dịu dần ở khu vực này.

P.TT&TT (TH)

Thông tin liên hệ

Thông tin liên hệ