Điểm tin ngày 14/11/2022
Ảnh: Anh Tú
Báo điện tử VTV News có bài: Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội bước vào giai đoạn cao điểm.
Trung bình tại Hà Nội ghi nhận 1.400 ca sốt xuất huyết một tuần, phân bố ca bệnh tại 30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, bệnh nhân tập trung chủ yếu tại các khu vực: Đống Đa, Thanh Oai, Phú Xuyên, Hoàng Mai… Cũng trong tuần vừa rồi ghi nhận hơn 80 ổ dịch dịch sốt xuất huyết mới. Nơi có nhiều ổ dịch nhất là quận Hoàng Mai với 24 ổ dịch.
Dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội đang bước vào giai đoạn cao điểm, so với tuần trước đó số mắc tăng 2,3%. Với số lượng bệnh nhân nhập viện do mắc sốt xuất huyết tăng đột biến nên thời gian gần đây, nhiều bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Đáng lưu ý, rất nhiều ca nhập viện muộn, có biến chứng nguy hiểm chủ yếu do chủ quan, lơ là với dịch.
Sốt xuất huyết thường kéo dài 5 – 7 ngày, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt; giai đoạn nặng và giai đoạn phục hồi. Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Giai đoạn này kéo dài khoảng 24-48 giờ. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: Đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì.
Các chuyên gia y tế lưu ý, người bệnh cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu như: Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều hơn; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ; có các hành vi thay đổi như lú lẫn, kích thích, vật vã hoặc li bì và trên 6 giờ không tiểu tiện.
Để phòng ngừa dịch sốt xuất huyết lan rộng, người dân nên thường xuyên thay rửa, đậy nắp bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để diệt loăng quăng, bọ gậy…
Báo điện tử Hà Nội mới có bài: Bảo vệ sức khỏe khi nhiệt độ chênh lệch.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1047376/bao-ve-suc-khoe-khi-nhiet-do-chenh-lech
Thời tiết giao mùa, nhiệt độ có sự chênh lệch rất lớn giữa ngày và đêm, khiến cơ thể không kịp thích nghi, dễ mắc bệnh. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh cúm mùa, vi rút hợp bào hô hấp (RSV), các bệnh về da… phát triển, kéo theo nguy cơ làm dịch bệnh bùng phát, lây lan trong cộng đồng.
Gần đây, thời tiết thay đổi thất thường, số lượng trẻ mắc các bệnh về hô hấp có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trẻ mắc cúm B. Đối với cúm B, phần lớn các ca bệnh nhẹ đều tự khỏi. Tuy nhiên, khi trẻ mắc cúm trên nền các bệnh mạn tính về gan, thận, phổi, ung thư, bệnh máu, béo phì… dễ có nguy cơ biến chứng nặng.
Báo Giáo dục và Thời đại có bài: Học quá nhiều khiến trẻ ít sáng tạo hơn
https://giaoducthoidai.vn/hoc-qua-nhieu-khien-tre-it-sang-tao-hon-post615085.html
Barbara Oakley – chuyên gia nổi tiếng thế giới về huấn luyện não bộ – cho rằng: Khi bị ép phải học liên tục, trẻ vẫn có thể hấp thụ từng ấy kiến thức; nhưng mặt trái là chúng ta đang khiến con trở nên ít sáng tạo hơn.
Theo GS. Barbara Oakley, có 2 trạng thái học tập: Tập trung và phân tán. Cả hai chế độ này đều quan trọng giúp chúng ta học tập. Cần thay đổi luân phiên hai chế độ này để học tập hiệu quả. Nếu phải học liên tục nghĩa là trẻ luôn ở trạng thái tập trung, đồng nghĩa với việc giảm bớt thời gian ở chế độ còn lại. Trong khi đó, trạng thái phân tán là thời điểm để các con có thể sáng tạo.
Barbara Oakley chia sẻ thêm: Với học sinh lớp 7, 8 trở xuống, việc tương tác trực tiếp với giáo viên trong học tập rất hiệu quả và cần thiết.
Nhân câu chuyện này, GS. Barbara Oakley cũng nhắc đến thực tế nhiều quốc gia, mức lương cho giáo viên còn thấp. Do đó, với cùng một nguồn ngân sách chi trả cho giáo viên, nếu thực sự đầu tư cho một đội ngũ dạy online có chất lượng thật tốt làm nòng cốt, thì chỉ số ít cũng có thể phủ sóng, lan tỏa được kiến thức đến nhiều trẻ em với sự hỗ trợ của công nghệ. Các giáo viên khác hoàn toàn có thể sử dụng nguồn tài nguyên này để cho học sinh xem. Như vậy, số lượng đông đảo học sinh sẽ được học qua video của những giáo viên tốt nhất, giúp nâng cao chất lượng giáo dục.
S1959 (Tổng hợp)