Điểm tin ngày 14/10/2022
Ảnh: Anh Tú
Tạp chí Tri thức trực tuyến có bài: Hệ quả của việc lướt mạng xã hội liên miên.
https://zingnews.vn/he-qua-cua-viec-luot-mang-xa-hoi-lien-mien-post1365011.html
Theo Wall Street Journal, Mạng xã hội là hình thức giải trí tốt nếu người dùng sử dụng có chủ đích. Ngược lại, việc lướt mạng không kiểm soát sẽ khiến tâm trạng ta tồi tệ hơn.
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta từng chìm đắm trong suy tư lúc lái xe, nhưng vẫn có thể dừng lại khi gặp đèn đỏ mà không cần nghĩ ngợi nhiều.
Hiện tượng trên là một ví dụ điển hình về sự phân ly trong tâm trí. Một nghiên cứu mới đã chỉ ra con người cũng có hành vi tương tự khi lướt mạng xã hội. Nhờ vậy, ta không bị chìm hẳn vào thế giới ảo.
Sự phân ly có 2 dạng. Những hiện tượng như nằm mơ giữa ban ngày hay lái xe khi không tập trung là ví dụ của sự phân ly bị động, khi chìm vào dòng suy nghĩ và ít để ý thời gian đã trôi qua.
Mặt khác, sự phân ly chủ động xảy ra khi ta muốn tách rời khỏi thực tại một cách có chủ đích qua các hoạt động giúp giảm căng thẳng như xem phim hoặc nghe nhạc.
Với người dùng mạng xã hội, sự phân ly chủ động giúp họ giải lao khỏi những lo nghĩ và gánh nặng hàng ngày. Tuy nhiên, khi việc lướt mạng trở nên bị động và vô thức, người dùng sẽ cảm thấy mình đã lãng phí thời gian, xấu hổ vì nghiện mạng xã hội.
Báo An ninh Thủ đô đưa tin: Hà Nội: Trẻ nhập viện vì viêm hô hấp tăng mạnh do giao mùa.
https://www.anninhthudo.vn/ha-noi-tre-nhap-vien-vi-viem-ho-hap-tang-manh-do-giao-mua-post519838.antd
Trong khoảng hơn 2 tuần trở lại đây, lượng bệnh nhi nhập viện tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội tăng mạnh, phần lớn do viêm đường hô hấp, cúm…
Các bác sĩ cho biết, nguyên nhân dẫn đến số lượng bệnh nhi nhập viện tăng cao hiện nay là do thời tiết giao mùa, thuận lợi cho nhiều loại virus lưu hành và phát triển.
Vì thế, trong thời điểm giao mùa hiện nay, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ, cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vệ sinh thường xuyên đường hô hấp, tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Đồng thời, khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của bệnh, phụ huynh cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Báo điện tử VTVNews có bài: Dấu hiệu nhận biết trầm cảm ở trẻ.
https://vtv.vn/suc-khoe/dau-hieu-nhan-biet-tram-cam-o-tre-20221012224337514.htm
Trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung.
ThS.BSNT Lê Công Thiện – Trưởng Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần cho biết: Tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý, vì vậy trẻ rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ em ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng như xung đột gia đình, sự chỉ trích hoặc không đạt thành tích trong học tập…
Các rối loạn trầm cảm ở trẻ tuổi học đường cũng giống ở người lớn, tuy nhiên có vài sự khác biệt sau: Về mặt cảm xúc, trẻ dễ bị kích thích, khả năng kiềm chế thấp nên dễ cáu giận, bùng nổ. Trẻ trở nên thờ ơ, tuyệt vọng, từ chối mọi hoạt động, sống thu mình. Khí sắc của trẻ thường trầm vào buổi sáng, gương mặt bơ phờ và thiếu động lực, mất quan tâm, tư duy và vận động chậm chạp, gặp các vấn đề về hiệu suất/thành tích, suy giảm nhận thức. Trẻ bị rơi vào trạng thái lo âu, chán ghét, thiếu tự tin, tự trách bản thân, nghiền ngẫm và lo sợ tương lai.
Nhiều trẻ thể hiện qua triệu chứng cơ thể như ăn uống kém ngon miệng, mệt mỏi, mất ngủ gặp nhiều hơn ở thanh thiếu niên so với người lớn, không có khả năng thư giãn và nghỉ ngơi. Một số trẻ trầm cảm cố gắng bù đắp cho lòng tự trọng thấp bằng cách cố gắng làm hài lòng người khác nên trẻ có thể xuất sắc trong học tập và cư xử tốt. Vì vậy trầm cảm của trẻ có thể không được chú ý.
Khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên, đặc biệt là khi trẻ thoáng có nói đến ý tưởng muốn chết, các bậc cha mẹ hoặc người thân của trẻ nên đưa trẻ đến khám để được tư vấn ở các bệnh viện chuyên khoa.
S1959 (Tổng hợp)