Điểm tin ngày 14/04/2023
Báo Giao thông có bài: Sụt giảm đơn hàng, doanh nghiệp quay cuồng ứng phó.
https://www.baogiaothong.vn/sut-giam-don-hang-doanh-nghiep-quay-cuong-ung-pho-d587887.html
Thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) ghi nhận, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu dệt may ước đạt hơn 8,7 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ năm 2022.
Việc sụt giảm đơn hàng khiến những DN đã có vị thế vững chắc nhiều năm qua như May 10 cũng phải rốt ráo tái cấu trúc. Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, đây là lần tái cấu trúc toàn diện hiếm có:
“May 10 sẽ định vị lại DN với việc áp dụng chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo, nguyên liệu xanh để đáp ứng tiêu chuẩn và phát triển, bao gồm việc định vị về sản phẩm, thị trường và về quản trị, công nghệ, mô hình sản xuất”.
Ghi nhận suy giảm về xuất khẩu, Tổng cục Thống kê cho rằng, nguyên nhân là do kinh tế thế giới phục hồi chậm với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn. Điều này ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tình trạng đơn hàng suy giảm cũng được nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cảnh báo từ quý III/2022. Đến nay, tình hình vẫn chưa có chiều hướng thay đổi.
Báo điện tử VTCNews đưa tin: Bộ Y tế bác tin đồn biến thể COVID-19 mới ‘độc hơn Delta gấp 5 lần’.
https://vtc.vn/bo-y-te-bac-tin-don-bien-the-covid-19-moi-doc-hon-delta-gap-5-lan-ar765558.html
GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, theo các nghiên cứu trên thế giới, biến thể COVID-19 chủ đạo vẫn là Omicron và các biến thể phụ. Các biến thể này không làm gia tăng chuyển nặng. Tỷ lệ bệnh nhân nặng/số ca mắc không có sự gia tăng. Tại Việt Nam, từ đầu tháng 4 tới nay, tỷ lệ bệnh nhân nặng/ số mắc thậm chí còn thấp hơn so với tháng 3 do đặc điểm giao mùa, có sự phát hiện số ca mắc tăng.
Theo ông Lân, đến thời hiện tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và trong nước cũng chưa ghi nhận các biến chủng khác.
Với biến thể Omicron vaccine vẫn có hiệu quả do đó người dân cần tiêm chủng đầy đủ theo đúng khuyến cáo của ngành y tế. Các nhà khoa học dự báo virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn tiếp tục tồn tại vì thế, để không ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, cuộc sống, các biện pháp phòng chống cần tập trung vào đối tượng nguy cơ cao.
Tại các cơ sở y tế, số ca COVID-19 thời gian gần đây có gia tăng tuy nhiên theo các bác sĩ điều trị triệu chứng ban đầu của bệnh nhân COVID-19 vẫn là ho sốt, mệt mỏi… và chưa ghi nhận triệu chứng mới ở người bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) cũng khuyến cáo: “Hiện nhiều thông tin vô căn cứ lan truyền trên mạng xã hội là xuất hiện biến chủng mới, gây tử vong nhanh chóng. Người dân hết sức bình tĩnh, theo dõi các thông tin chính thống từ cơ quan y tế”.
Báo Vietnamnet có bài: Hai biện pháp phòng Covid-19 cho học sinh cần làm ngay.
https://vietnamnet.vn/2-bien-phap-phong-covid-19-cho-hoc-sinh-tu-chuyen-gia-2132146.html
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga (Bộ Quốc phòng), tình trạng số ca mắc Covid-19 tăng hơn thời gian trước đó không bất thường. Trong dịch Covid-19, các quốc gia đều ghi nhận làn sóng tăng – giảm.
Bác sĩ Hoàng cho biết, đơn vị giáo dục cần phối hợp với ngành y tế lựa chọn phương án không làm lây lan ca bệnh, đồng thời không ảnh hưởng tới việc học của trẻ.
Với trẻ 5 -17 tuổi nếu chưa tiêm đủ 2 mũi thì nên tiêm ngay. Để dịch bệnh không lây lan, bác sĩ Hoàng đề xuất ngành y tế Hà Nội cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ nguy cơ tái mắc Covid-19, thực hiện theo các khuyến cáo của Bộ Y tế.
Ngoài ra, bác sĩ Hoàng cũng gợi ý hai biện pháp phòng dịch các phụ huynh cần làm ngay cho con:
Thứ nhất: Tăng cường miễn dịch cho học sinh. Phụ huynh cho con ăn đủ chất, bổ sung thêm các vitamin cần thiết như C, D. Tăng cường miễn dịch cũng phòng các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, thủy đậu, sốt virus.
Thứ hai: Tăng cường vận động cho học sinh. Thói quen vận động của học sinh hiện nay rất hạn chế. Bác sĩ Hoàng cho rằng sau hơn 2 năm Covid-19 trước đó, nhiều học sinh quay trở lại cuộc sống như trước đi học, xem tivi, điện thoại, ít vận động hơn.
Trước tình hình số ca mắc tại Hà Nội tăng, ông Khổng Minh Tuấn – Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cho biết, người dân chưa tiêm mũi 3, 4 thì đến các trạm y tế xã, phường để triển khai. Đồng thời, tăng cường các biện pháp phòng chống, đeo khẩu trang, khử khuẩn khi đi vào những khu vực điều trị.
P.TT&TT (TH)