Điểm tin ngày 14/02/2022
Báo điện tử Dân trí cập nhật thông tin: Sáng 14/2, hơn 7.800 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, ca mắc mới giảm nhẹ.
Trong ngày có 7.815 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 2.226.754 trường hợp. Hà Nội tiếp tục là địa phương có ca mắc mới trong ngày cao nhất cả nước.
Từ 18h ngày 12/2 đến 18h ngày 13/2, Hà Nội ghi nhận 2.940 ca bệnh (744 ca cộng đồng; 2.196 ca đã cách ly).
Để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng vaccine nhằm bảo vệ cho người dân, đặc biệt ở nhóm người trên 50 tuổi, người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng, tỷ lệ tử vong, Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm vaccine cho người thuộc nhóm nguy cơ, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ; các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều; người từ chối tiêm trên địa bàn.
Tại các địa phương ghi nhận số ca mắc mới giảm nhẹ so với những ngày trước đó.
Báo điện tử VTC News có bài: Cha mẹ cần làm gì khi trẻ mắc COVID-19?
https://vtc.vn/cha-me-can-lam-gi-khi-tre-mac-covid-19-ar661165.html
Theo TS.BS. Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay, Việt Nam ghi nhận những trường hợp mắc COVID-19 ở lứa tuổi trẻ em, kể cả từ tuổi sơ sinh. Đây là bệnh lây truyền qua đường hô hấp nên tỷ lệ mắc ở trẻ em tương tự như người lớn.
BS Nam cũng cho biết, phần lớn các trường hợp có biểu hiện triệu chứng nhiễm virus như: Sốt, ho, sổ mũi, mệt mỏi…; một số trường hợp có kèm theo các triệu chứng như: Viêm phổi, viêm tiểu phế quản và hồi phục ổn định sau khi kiểm soát các bệnh lý kèm theo. Các diễn biến nặng đa phần xuất hiện trên những trẻ có bệnh nền, mạn tính như: suy giảm miễn dịch, bệnh hệ thống.
Chuyên gia y tế này cảnh báo, trong thời tiết lạnh, ẩm như hiện nay, trẻ em rất dễ gặp các vấn đề về đường hô hấp, tiêu hóa. Vì vậy, trẻ đều có khả năng nhiễm các bệnh lý hô hấp, trong đó có COVID-19.
Theo TS.BS Nguyễn Thành Nam, khi trẻ trở lại trường học, cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp như: Trẻ cần được tiêm phòng ngay khi được phép của Chính phủ, Bộ Y tế; tăng cường sức đề kháng; tránh để trẻ nhiễm lạnh, đảm bảo thông khí tốt trong môi trường sống, học tập; Hướng dẫn trẻ vệ sinh bàn tay đúng cách; sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc người khác; bỏ rác thải đúng nơi quy định…
Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ như sốt, viêm đường hô hấp, tiếp xúc yếu tố nguy cơ…trẻ cần được kiểm tra ngay và tránh tiếp xúc với người khác khi chưa có kết quả xét nghiệm.
Báo điện tử VTV News có bài: Miền Bắc sẽ đón 2 đợt không khí lạnh mạnh trong tháng 2, mưa rét kéo dài đến đầu tháng 3.
Khu vực miền Bắc tiếp tục đón 2 đợt không khí lạnh mạnh, gây mưa, rét hại, rét đậm; khu vực miền Trung, miền Nam đều có mưa dông.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều nay 13/2, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Dự báo chiều tối và đêm nay không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hội tụ gió trên cao nên trong chiều tối và đêm nay, Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế có mưa, mưa rào; Ở Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ C, vùng núi 8-11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 6 độ C và có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết; Khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế trời rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 14-17 độ C.
Khu vực Hà Nội có mưa nhỏ vài nơi. Trời rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ C. Tại Hà Nội, người dân trải qua hai ngày đầu tuần với tiết trời khô ráo, có thể hửng nắng về trưa và chiều với nhiệt độ thấp nhất 13 độ C, cao nhất 18 độ C. Thời tiết này thuận lợi cho nhiều người vui chơi trong ngày lễ Valentine.
Hồng Hạnh (TH)