1900.636.628

Điểm tin ngày 12/12/2022

Báo Dân trí có bài: Doanh nghiệp “còn sống”, công nhân còn việc.

https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/doanh-nghiep-con-song-cong-nhan-con-viec-20221209131027948.htm

2022 là một năm xoay chuyển bất ngờ với các doanh nghiệp ngành gia công hàng xuất khẩu khi đơn hàng giảm, hàng chục nghìn công nhân mất việc vào thời điểm cuối năm. Đó cũng là lời cảnh báo với một thị trường mang tính chất thâm dụng lao động với nguồn nhân công đang trong tiến trình già hóa nhanh.

Trong 2 tháng 10 và 11, tình trạng mất việc làm bất ngờ xuất hiện tại một số địa phương do ảnh hưởng tình hình khó khăn chung của kinh tế thế giới. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động.

Nói về tình cảnh ngành dệt may hiện nay, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (Hiệp hội Dệt may Việt Nam) thở dài: “Tôi cũng không biết 6 tháng nữa, doanh nghiệp nào còn, doanh nghiệp nào mất!”. Mà doanh nghiệp đóng cửa thì công nhân mất việc, doanh nghiệp “còn sống” thì công nhân còn việc.

Do đó, các hiệp hội, doanh nghiệp đã liên danh đề nghị nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ đời sống công nhân như giai đoạn giãn cách vì Covid-19 và đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thời gian khó khăn này, duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho công nhân.

Báo Điện tử VOVNews có bài: Thuốc lá điện tử “trong tầm tay trẻ em” – Mối hiểm họa khôn lường.

https://vov.vn/xa-hoi/thuoc-la-dien-tu-trong-tam-tay-tre-em-moi-hiem-hoa-khon-luong-post989480.vov

Thuốc lá điện tử nguy hại với trẻ em là điều “miễn bàn”. Nhưng nguy hiểm hơn nếu đây là dụng cụ ngụy trang để sử dụng ma tuý tổng hợp của người lớn, nhưng lại rơi vào tay trẻ em, trẻ vị thành niên trong giai đoạn thích khám phá, dễ bị rủ rê, lôi kéo…

Giới chuyên gia thường xuyên đưa ra cảnh báo về tác hại của thuốc lá điện tử, đặc biệt là tác hại với trẻ nhỏ. Mới đây, vụ việc 7 học sinh trường Tiểu học Hoàng Liệt (Hà Nội) nhập viện do hút phải thuốc lá điện tử tiếp tục làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về việc kiểm soát, không để thuốc lá điện tử “nằm trong tầm tay trẻ nhỏ”.

Với trẻ vị thành niên, nhất là trong môi trường học đường, trẻ đang ở trong giai đoạn thích khám phá, dễ bị rủ rê, lôi kéo; nên nguyên tắc phòng ngừa trong sử dụng chất gây nghiện là phải có sự giám sát, quản lý của gia đình và nhà trường. Ở nhà, cha mẹ cần thực hiện giám sát các biểu hiện, quản lý các sinh hoạt của con. Ở trường, các thầy cô giáo cũng cần tăng cường quản lý, giám sát; đồng thời luôn luôn đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo về những nguy hiểm khi sử dụng các chất gây nghiện, trong đó có thuốc lá điện tử.

Các chuyên gia lưu ý rằng, dù chưa có thống kê con số cụ thể nhưng trong môi trường học đường hiện nay có một số trẻ vị thành niên đã sử dụng thuốc lá điện tử. Đây là một vấn đề khá nhạy cảm và cần phải nhìn nhận khách quan để đưa ra hướng phòng ngừa, can thiệp để tránh những tác hại không mong muốn. Đặc biệt, trẻ vị thành niên có hệ thần kinh chưa phát triển hoàn chỉnh nên các hậu quả khi sử dụng các loại thuốc lá điện tử là không thể lường trước.

Báo Hà Nội mới có bài: Coi chừng rước họa vì làm đẹp “cấp tốc”.

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1050025/coi-chung-ruoc-hoa-vi-lam-dep-cap-toc

Càng gần đến Tết, nhu cầu làm đẹp của người dân càng tăng cao. Thế nhưng, thay vì đến các địa chỉ uy tín, không ít người lại chọn những spa, cơ sở thẩm mỹ kém chất lượng chỉ bởi tin theo những lời quảng cáo “có cánh”… Hậu quả là có không ít trường hợp rước họa vào thân, bị biến chứng sau các liệu trình “trùng tu” nhan sắc “cấp tốc”.

Không chỉ nữ giới, hiện nhu cầu làm đẹp ở nam giới cũng gia tăng. Chỉ vì tin vào những lời quảng cáo có cánh của các spa, không ít đấng mày râu cũng rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”, vì biến chứng sau khi làm đẹp.

Theo bác sĩ Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E), nếu người không có chuyên môn và không được đào tạo bài bản, không nắm được kiến thức về giải phẫu, khi tiêm filler cho khách hàng có thể tiêm vào đường đi của mạch máu, gây tắc mạch, từ đó gây hoại tử, có thể dẫn đến mù lòa. Mặt khác, với người không được đào tạo bài bản về liều thuốc gây tê, gây mê, có thể tiêm thuốc gây tê quá mức, cao gấp nhiều lần ngưỡng ngộ độc; hay không nhận thức được thuốc sử dụng có được Bộ Y tế cho phép, có bị cấm hay không…, từ đó gây ra những hậu quả đáng tiếc. Để tránh nguy cơ biến chứng xảy ra, có 3 nguyên tắc quan trọng khi làm đẹp, đó là: Nên lựa chọn các bệnh viện thẩm mỹ chính quy có đầy đủ hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị; được cơ quan chức năng cấp phép và được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm, có bằng cấp chuyên môn.

P.TT&TT (TH)

Thông tin liên hệ

Thông tin liên hệ