1900.636.628

Điểm tin ngày 12/01/2022

Báo Dân trí có bài: Tự ý dùng thuốc kháng virus, F0 đối mặt với những nguy cơ gì?

https://dantri.com.vn/suc-khoe/tu-y-dung-thuoc-khang-virus-f0-doi-mat-voi-nhung-nguy-co-gi-20220111161815307.htm

Khó tiếp cận với y tế cơ sở để được hỗ trợ điều trị Covid-19 tại nhà, một bộ phận người dân “tự xoay xở” bằng cách mua các thuốc được cho là có thể chữa Covid-19, đặc biệt là thuốc kháng virus. Thậm chí, nhiều trường hợp chưa phải là F0 cũng mua sẵn thuốc kháng virus để dự phòng.

Các sản phẩm thuốc kháng virus được rao bán trên “chợ mạng” có nhiều nhãn hiệu và nguồn gốc xuất xứ. Tuy nhiên, chủ yếu đều chứa hoạt chất chính là molnupiravir hoặc favipiravir.

Theo Sở Y tế Hà Nội, thuốc molnupiravir mới đang được sử dụng trong Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ do Bộ Y tế triển khai, thuốc chỉ cấp phát cho bệnh nhân, không bán trên thị trường. Do đó, thuốc molnupiravir bán ở nhà thuốc hoặc ngoài thị trường là vi phạm.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp, Khoa Huyết học, Bệnh viện Quân y 103, thành viên nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà cho biết, khi biết bản thân mắc Covid-19, hầu như ai cũng có tâm lý lo lắng, tự lên mạng mua các thuốc kháng virus của Nga, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… về uống. Đây đều là các thuốc không rõ nguồn gốc, chất lượng, hàng xách tay nên dù bệnh nhân có chỉ định dùng hoạt chất đó nhưng không rõ nguồn gốc nên bác sĩ cũng không thể tư vấn dùng. 

Theo BS Hiệp, điều này mang lại hiệu quả không tốt, thậm chí quá liều có thể dẫn đến ngộ độc với các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt…

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tại Việt Nam, favipiravir được dùng cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ. Chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc đang có kế hoạch có thai, phụ nữ đang cho con bú, người dưới 18 tuổi, người suy gan, suy thận nặng. 

Báo Pháp luật Việt Nam có bài: Mùa Tết, cẩn thận hàng giả, hàng nhái.

https://baophapluat.vn/mua-tet-can-than-hang-gia-hang-nhai-post430235.html

Gần Tết là thời điểm các cơ quan chức năng liên tục ra quân để truy quét các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả. Nhiều đối tượng sản xuất, tiêu thụ hàng giả liên tục bị phát hiện.

Dịp này, mặt hàng bán chạy nhất và cũng dễ làm giả nhất, phải kể đến mặt hàng thực phẩm. Khảo sát tại các chợ sỉ bánh kẹo trên địa bàn thành phố cho thấy, nhiều sản phẩm bánh kẹo bán xá, bán kí, không nhãn mác được bày bán tràn lan với giá rẻ.

Cạnh mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm thì các sản phẩm như thời trang (quần áo, túi xách, phụ kiện) và mỹ phẩm cũng là những mặt hàng bị làm giả phổ biến dịp cuối năm.

Nếu như mặt hàng thời trang khiến người tiêu dùng bị thiệt hại về túi tiền thì sản phẩm giả, nhái mỹ phẩm, thực phẩm gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Mặc dù đã có những cuộc ra quân mạnh mẽ từ phía cơ quan chức năng, nhưng người tiêu dùng nên cẩn thận, chỉ chọn mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng, có nhãn mác thông tin đầy đủ.

Báo điện tử VTVNews có bài: “COVID kéo dài” có thể không phải là một hội chứng đơn lẻ.

https://vtv.vn/the-gioi/covid-keo-dai-co-the-khong-phai-la-mot-hoi-chung-don-le-20220111232921814.htm

Các nhà khoa học thuộc Viện Y tế Công cộng Na Uy cho rằng, chùm triệu chứng thứ nhất có liên quan tới não bộ, bao gồm chứng não sương mù (tình trạng đầu óc không thể ghi nhớ, phân tích nhạy bén hoặc thiếu tập trung), suy giảm trí nhớ, chóng mặt, tim đập nhanh và mệt mỏi. Chùm triệu chứng thứ hai có liên quan tới hệ hô hấp gồm khó thở và ho.

Trong nghiên cứu sơ bộ đăng trên trang medRxiv.org, các nhà nghiên cứu cho biết, kết quả này cho thấy các chùm triệu chứng được ghi nhận ở những người khác nhau. Do vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng “COVID kéo dài” có thể không phải là một hội chứng đơn lẻ.

Trong số những người không mắc COVID-19, 21% ghi nhận trải qua ít nhất 1 triệu chứng mới trong 12 tháng qua trong khi tỉ lệ này ở những người mắc COVID-19 là 56%. Chỉ chưa đầy 30% ghi nhận mắc từ 3-5 triệu chứng trở lên 1 năm sau khi mắc bệnh. 17,4% những người mắc COVID-19 xảy ra tình trạng mệt mỏi, so với 3,8% ở những người không mắc COVID-19. 18,2% người mắc COVID-19 bị suy giảm trí nhớ 1 năm sau khi mắc bệnh, so với tỉ lệ này ở người không mắc COVID-19 là 3,6%.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng các triệu chứng này ở phụ nữ phổ biến hơn so với ở nam giới cũng như phổ biến ở những người mắc COVID-19 thể nặng hơn so với những người bị nhẹ.

P.TT&TT (TH)

Thông tin liên hệ

Thông tin liên hệ