Điểm tin ngày 11/7/2023
Báo Hà Nội mới có bài: Tiêu dùng xanh “lên ngôi”: Doanh nghiệp không thể ngoài cuộc.
https://hanoimoi.vn/tieu-dung-xanh-len-ngoi-doanh-nghiep-khong-the-ngoai-cuoc-634717.html
Khảo sát của Intage Việt Nam với thị trường Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, 95% người tiêu dùng đã có ý thức về bảo vệ môi trường, 59% người tiêu dùng lựa chọn ăn rau xanh, ngũ cốc thường xuyên hơn; 44% tái sử dụng quần áo cũ thay vì mua mới; 61% tắt các thiết bị điện trong nhà khi không sử dụng; 39% hạn chế dùng thực phẩm đóng gói, công nghiệp; 73% sử dụng thực phẩm được sản xuất hữu cơ và thuần tự nhiên; 44% hạn chế sử dụng túi nhựa… Đáng lưu ý gần 90% người tiêu dùng ủng hộ những công ty kinh doanh đạo đức và có trách nhiệm xã hội; 43% người tiêu dùng có ấn tượng tốt về nhãn hàng, doanh nghiệp thân thiện với môi trường.
Trên thế giới, sản xuất xanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường ngày càng phổ biến và được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, do vậy doanh nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
Theo bà Đặng Thúy Hà, các doanh nghiệp sản xuất cần nhanh chóng thích ứng, đưa ra lộ trình phù hợp. Về ngắn hạn là kế hoạch giảm phát thải, thay thế bao bì nhựa; cam kết sử dụng năng lượng bền vững, thân thiện môi trường. Trung và dài hạn là ứng dụng công nghệ để cải thiện chuỗi cung ứng nhằm giảm lãng phí nước, năng lượng và nguyên liệu; ứng dụng tự động hóa và phương tiện vận tải chạy bằng năng lượng điện; thay thế các thành phần và nhà cung cấp không thân thiện môi trường…
Báo điện tử VTVNews có bài: Cảnh giác trước hàng trăm hệ thống lừa người dùng cài ứng dụng giả mạo lên điện thoại.
Khoảng 1 tuần qua, trên không gian mạng rộ lên thủ đoạn lừa người dân cài các ứng dụng giả mạo của các cơ quan Chính phủ, trong đó có Tổng cục Thuế. Nhóm đối tượng đã sử dụng gần 195 hệ thống khác nhau.
Người dùng sau khi tải các ứng dụng giả mạo vào điện thoại thông minh sẽ bị đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng và có thể bị chiếm quyền kiểm soát điện thoại. Các đối tượng xấu đã tạo ra những hệ thống có giao diện giống với những ứng dụng chính thức. Sau đó, chúng mạo danh các cơ quan, tổ chức để lừa người dùng cài đặt ứng dụng giả mạo vào điện thoại di động.
Ứng dụng giả mạo sau khi được cài sẽ yêu cầu quyền truy cập dữ liệu, giám sát hành động, thực hiện cử chỉ, có quyền điều khiển điện thoại. Từ xa, tin tặc có thể thu thập thông tin và truy cập vào ứng dụng của ngân hàng thực hiện lệnh chuyển tiền.
Có thể thấy, việc nhấp vào đường link lạ qua tin nhắn, nghe điện thoại rồi làm theo hay cài ứng dụng lạ rồi cho phép quyền truy cập cũng không khác gì việc chúng ta mở khoá căn nhà với tất cả đồ đạc, tài sản bên trong.
Do đó, bạn hãy thử kiểm tra lại xem có ứng dụng lạ nào trên máy không và bạn có cấp quyền truy cập quá nhiều cho các ứng dụng nào không. Mỗi lần cài đặt ứng dụng, mỗi lần nhấn vào cho phép cấp quyền, hãy đọc kỹ những thông tin và đừng vội đồng ý tất cả các điều khoản. Đừng tự mở cửa cho kẻ trộm vào nhà.
Báo Người lao động có bài: Stress, “kẻ thù” của bệnh huyết áp.
https://nld.com.vn/suc-khoe/stress-ke-thu-cua-benh-huyet-ap-20230710204804839.htm
PGS-TS-BS Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), cho biết trước đây, người mắc các bệnh về huyết áp chỉ chiếm 10% dân số thì nay tỉ lệ này tăng lên đến 50%.
Lý giải nguyên nhân, PGS Quế cho rằng có nhiều yếu tố khiến người mắc bệnh huyết áp tăng cao như: cuộc sống nhiều áp lực, căng thẳng (stress); thay đổi lối sống (thức khuya, ít vận động…); ăn uống không lành mạnh…
“Stress vốn là kẻ thù của bệnh huyết áp. Nguyên nhân chủ yếu của stress là do nhiều áp lực trong công việc, cơm áo, gạo tiền… Dù không thể hoàn toàn tránh được stress nhưng có thể thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, thích ứng với cuộc sống, hoàn cảnh, điều tiết lại công việc… Bên cạnh đó, tùy theo độ tuổi nên tham gia các hoạt động như thể dục, thể thao, yoga, dưỡng sinh, giải trí…” – PGS Quế nhấn mạnh.
S1959