Điểm tin ngày 11/10/2022
Tạp chí điện tử Mekong Asean có bài: Không còn là dự đoán, xuất khẩu dệt may đã giảm dần từ nửa đầu tháng 9/2022.
Theo đó, đơn đặt hàng may mặc đã chậm lại trong quý III/2022 do tác động tiêu cực do lạm phát cao các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ và EU, cùng với đó là lượng hàng tồn kho cao phía khách hàng đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu mặt hàng dệt may.
Bên cạnh ảnh hưởng tỷ giá USD/VND, một số doanh nghiệp dệt may có thị trường tiêu thụ tại châu Âu cũng bị ảnh hưởng khi sức mua của khách hàng châu Âu suy yếu với một phần nguyên nhân là do đồng EUR đã suy giảm đáng kể.
Trước đó, nhận định về triển vọng ngành dệt may trong thời gian tới, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán SSI cũng cho rằng, ngành dệt may đạt kết quả khả quan cả về tốc độ tăng trưởng và số liệu tuyệt đối.
Tuy nhiên, hiện nhiều yếu tố cho thấy, ngành dệt may sẽ gặp khó khăn khi triển vọng đơn hàng cho quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 không mấy khả quan do những lo ngại lạm phát tăng và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng.
Các đơn đặt hàng sẽ giảm mạnh hơn đối với những doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ và EU. Xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có xu hướng giảm, nhưng ở mức độ thấp hơn. Nhiều công ty đã bắt đầu nhận đơn đặt hàng cho quý I/2023, tuy nhiên lượng đơn hàng nhận được vẫn còn rất xa so với công suất hoạt động của doanh nghiệp.
Báo điện tử VTVNews có bài: Chuyển đổi số: Tiến trình toàn dân và toàn diện.
https://vtv.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so-tien-trinh-toan-dan-va-toan-dien-20221011050315848.htm
Trong sự kiện Ngày Chuyển đổi số quốc gia 2022 vừa diễn ra sáng 10/10, bên cạnh việc ghi nhận những dấu ấn, kết quả tích của Chuyển đổi số trong thời gian qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn nữa để tìm kiếm phương thức phát triển mới, kịp thời nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Việt Nam hiện có 75% người dân đã được sử dụng Internet, 54 triệu người được tham gia vào kinh tế số, mạng dữ liệu dùng chung quốc gia đã phủ gần 100% chính quyền các cấp, hạ tầng công nghệ số phủ rộng đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu chuyển đổi số của mỗi địa phương, mọi cơ quan, tổ chức và người dân.
Tiến trình chuyển đổi số đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong đó người dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là nguồn lực vừa là đối tượng thụ hưởng.
Theo các chuyên gia những kết quả chuyển đổi số đạt được sẽ không chỉ là lợi ích kinh tế mà sẽ lớn hơn nhiều và ngày càng cộng hưởng trong tương lai.
Báo Điện tử VTCNews có bài: 5 lý do để không nên quá hoang mang về bệnh đậu mùa khỉ.
https://vtc.vn/5-ly-do-de-khong-nen-qua-hoang-mang-ve-benh-dau-mua-khi-ar706320.html
Mặc dù nước ta đã ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ song theo các chuyên gia y tế người dân không nên quá lo lắng mà nên tuân thủ các hướng dẫn phòng chống dịch.
Thứ nhất, đậu mùa khỉ không phải là bệnh dịch mới nổi như COVID-19, mà nó được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ được nuôi để nghiên cứu.
Thứ hai, đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người, người là ký chủ mắc bệnh vô tình. Sau khi lây truyền sang người, người bệnh sẽ lây sang người khác, nhưng lây không dễ dàng. Các nhà nghiên cứu khẳng định bệnh rất khó lây qua tiếp xúc thông thường. Chỉ khi tiếp xúc trực tiếp gần gũi, da kề da mới có khả năng lây nhiễm.
Thứ ba, đậu mùa khỉ không lây qua không khí. Khác với COVID-19, có thể lây qua giọt bắn hô hấp nhỏ như khí dung, đậu mùa khỉ lây qua những giọt bắn hô hấp lớn trong môi trường tiếp xúc gần gũi như người chăm sóc trực tiếp, bác sĩ, y tá.
Thứ tư, bệnh đậu mùa khỉ có tỷ lệ tử vong thấp, thấp hơn cả bệnh thủy đậu. Tử vong thường do biến chứng chứ không phải độc lực của virus đậu mùa khỉ.
Thứ năm, những người lớn tuổi, đã từng được “trồng trái” (tiêm phòng) bệnh đậu mùa thì đã có kháng thể một phần chống bệnh đậu mùa khỉ hiệu quả.
P.TT&TT (TH)