1900.636.628

Điểm tin ngày 11/04/2023

 

Báo điện tử VOVNews có bài: Xanh hóa ngành dệt may: Yêu cầu cấp bách.

https://vov.vn/kinh-te/xanh-hoa-nganh-det-may-yeu-cau-cap-bach-post1013016.vov

Cùng với những khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, doanh nghiệp dệt may đang chịu sức ép về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng ngành. Nếu như cách đây vài năm, cụm từ “xanh hoá” được nhắc đến như một xu hướng sản xuất mới thì nay đã trở thành một yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may.

Các nước nhập khẩu ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu cấu thành sản phẩm, đáp ứng các quy định của Việt Nam và quy định về C/O của các Hiệp định Thương mại tự do hay yêu cầu của các quốc gia nhập khẩu. Cùng với đó, nhiều thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam như Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc cũng đã có những quy định liên quan đến quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.

Xu hướng lựa chọn hàng tái chế, sản phẩm xanh và sử dụng nguyên liệu bền vững ngày càng được khách hàng lựa chọn và chấp nhận giá thành cao hơn. Đây cũng là một lợi thế khi doanh nghiệp tham gia sớm các quy trình chuẩn quốc tế.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, các quy chuẩn và đánh giá sự phát triển bền vững của doanh nghiệp ngày càng cao dựa trên mức độ tuân thủ của các doanh nghiệp về trách nhiệm đối với người lao động, môi trường, xã hội và người tiêu dùng toàn cầu trước khi các sản phẩm được đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, các quy chuẩn này sẽ không cố định mà liên tục thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt thích ứng.

Báo Hà Nội mới đưa tin: Khuyến cáo thủ đoạn gọi Zalo có hình ảnh công an để lừa đảo.

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Xa-hoi/1060919/khuyen-cao-thu-doan-goi-zalo-co-hinh-anh-cong-an-de-lua-dao

Ngày 11-4, Công an thành phố Hà Nội đưa ra khuyến cáo, khác những lần giả dạng công an trước đây từng xảy ra là lừa tiền trực tiếp, hoặc có cuộc gọi mạo danh cơ quan chức năng, lần này các đối tượng dùng thủ đoạn gọi Zalo có hình ảnh công an để lừa đảo.

Hiện nay, với sự phát triển nhanh của công nghệ, người dùng có thể mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử online. Các chuyên gia ngân hàng chỉ rõ, nếu người dân đã từng mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử online, sẽ biết là cần phải có 1 bước gọi là KYC – định danh cá nhân để kích hoạt tài khoản. Định danh bằng cách quét khuôn mặt của người dùng, người dùng nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống. Điều này cũng trùng khớp với yêu cầu mà đối tượng tự xưng là nữ cán bộ công an yêu cầu tài khoản Đ.H.V gọi video từ Zalo, khi nghe cuộc gọi thì nhớ nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải.

Theo cơ quan chức năng, trong trường hợp này, kẻ lừa đảo sẽ dùng thêm phần mềm hỗ trợ để có thể chuyển hình ảnh từ video call đến với bước định danh – KYC. Sau khi tài khoản ngân hàng được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo, nạn nhân sẽ không chứng minh được sự vô can của mình nếu có.

Đáng chú ý, trong các cuộc gọi có hình, các đối tượng lừa đảo sẽ xuất hiện trong hình ảnh mặc quần áo công an, ngồi trong phòng được thiết kế y như phòng làm việc của cơ quan công an với bảng tên, phù hiệu… Lời nói của các đối tượng cũng rất đanh thép, chuyên nghiệp y như công an thật.

Công an thành phố Hà Nội đã nhiều lần khuyến cáo, cơ quan công an không làm việc online, không làm việc qua điện thoại và tất cả được giải quyết tại trụ sở cơ quan.

Báo Người đưa tin có bài: Hà Nội: Dịch thủy đậu bùng phát mạnh, sắp chạm ngưỡng 1.000 ca.

https://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-dich-thuy-au-bung-phat-manh-sap-cham-nguong-1-000-ca-a602356.html

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội đã có 985 ca mắc thủy đậu; trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 14 ca.

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, thời tiết đã chuyển sang mùa hè nóng ẩm, là điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh như: Tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản… phát triển và gia tăng. Bên cạnh đó, các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A (H7N9), cúm A (H5N6), Marburg… tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập.

Bác sĩ khuyến cáo, bệnh thủy đậu thường biểu hiện lành tính chủ yếu ở tổn thương da, ngoài ra trẻ vẫn sinh hoạt, ăn uống bình thường. Trẻ cũng có thể có cảm cúm sau đó sẽ hết. Nhưng ở một số trường hợp bệnh có thể có giai đoạn biến chuyển nặng lên. Thể hiện ở việc các cháu có thể sốt cao kéo dài do tổn thương viêm xâm nhập qua những nốt phỏng da gây nhiễm trùng máu, viêm khớp, viêm cơ. Ngoài tổn thương da có thể là viêm phổi, viêm não hoặc viêm tai giữa.

P.TT&TT (TH)

Thông tin liên hệ

Thông tin liên hệ