Điểm tin ngày 11/03/2022
Báo điện tử VTV News có bài: Lạm dụng kit test nhanh COVID-19: Lợi bất cập hại.
https://vtv.vn/suc-khoe/lam-dung-kit-test-nhanh-covid-19-loi-bat-cap-hai-20220310225445878.htm
Tâm lý lo lắng khi số ca mắc COVID-19 tăng cao đã khiến cho không ít người tìm mua, tích trữ các loại kit test nhanh để sử dụng thường xuyên, tạo ra “hiệu ứng đám đông” đẩy giá các mặt hàng kit test lên cao và khiến chúng trở nên khan hiếm.
Theo các chuyên gia, người dân cần hiểu đúng về thời điểm sử dụng kit test nhanh và đặc thù kết quả của test nhanh khi xét nghiệm ở từng giai đoạn bệnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: “Test kháng nguyên nhanh nó chỉ có tính chính xác cao khi bạn đang có những triệu chứng ví dụ sốt, khi nồng độ virus ở họng thải ra cao nhất, nhiễm sau từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7”.
Không phủ nhận những công dụng của kit test nhanh trong việc chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh nhưng việc sử dụng đúng thời điểm, đúng đối tượng, đúng triệu chứng mới có thể phát huy công dụng này.
Tuy nhiên, đặc thù dễ cho kết quả âm tính giả vốn khá phổ biến ở kit test nhanh còn có thể dẫn tới tâm lý chủ quan, không áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khiến dịch càng dễ lây lan hơn trong cộng đồng.
Báo điện tử VTC News có bài: F0 nào được sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir?
https://vtc.vn/f0-nao-duoc-su-dung-thuoc-khang-virus-molnupiravir-ar665199.html
Ngày 17/2 vừa qua, Bộ Y tế Việt Nam đã quyết định cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện đối với 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước, gồm: Thuốc Molnupiravir 200mg của Công ty CP Hóa – Dược phẩm Mekophar; Molnupiravir 400mg của Công ty TNHH Liên doanh StellaPharm; Molnupiravir 400mg của Công ty Cổ phần dược phẩm Boston Việt Nam.
Molnupiravir là loại thuốc kháng virus đường uống đầu tiên được đưa vào hướng dẫn điều trị COVID-19. Vì đây là một loại thuốc mới nên có rất ít dữ liệu về độ an toàn. WHO khuyến nghị giám sát tích cực về tính an toàn của thuốc.
Theo phác đồ mới nhất của Bộ Y tế, Molnupiravir được sử dụng để điều trị COVID-19 mức độ nhẹ đến trung bình ở người trưởng thành (>18 tuổi) dương tính với xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2, và có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng. Yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng gồm: tuổi cao, bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh mạn tính khác , rối loạn lipid máu, thuốc lá, béo phì, suy giảm miễn dịch (ung thư, HIV,…).
Báo Sức khỏe và Đời sống có bài: Hậu COVID-19 ở trẻ em, những điều cha mẹ cần biết.
https://suckhoedoisong.vn/hau-covid-19-o-tre-em-nhung-dieu-cha-me-can-biet-169220311004310932.htm
Các bậc cha mẹ cần biết về các triệu chứng hậu COVID-19 để có cách chăm sóc con và xử lý đúng chứ không phải luôn ám ảnh, sợ hãi về hậu COVID-19 có thể khiến trẻ bị căng thẳng theo.
- Các vấn đề về hô hấp: Trẻ em từ 6 tuổi trở lên với các triệu chứng kéo dài có thể cần xét nghiệm chức năng phổi. Trẻ bị khó thở do gắng sức mà không hết có thể cần xét nghiệm tim để loại trừ các biến chứng như cục máu đông.
- Các vấn đề về tim mạch: Trẻ em và thanh thiếu niên có các triệu chứng trung bình hoặc nghiêm trọng trong vòng 6 tháng cần được kiểm tra kỹ lưỡng, bao gồm kiểm tra tim, trước khi trở lại trường học hoặc các hoạt động thể thao.
- Thay đổi vị giác, khứu giác: Cứ 4 trẻ em và thanh thiếu niên từ 10 đến 19 tuổi thì có 1 người bị COVID thay đổi khứu giác và vị giác.
- Ảnh hưởng đến hệ thần kinh: Bệnh COVID-19 có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh và trong một số trường hợp hiếm hoi, dẫn đến đột quỵ hoặc viêm não (sưng não).
- Mệt mỏi về tinh thần: “Sương mù não” – suy nghĩ, tập trung hoặc trí nhớ “mờ nhạt” cũng có thể gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên với các triệu chứng như đãng trí hơn hoặc khó chú ý, khó ghi nhớ…
- Thể chất mệt mỏi: Sau khi nhiễm SARS-CoV-2, trẻ em và thiếu niên có thể dễ mệt mỏi hơn và sức chịu đựng kém hơn, ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng về tim hoặc phổi do virus gây ra.
- Nhức đầu: Nhức đầu là một triệu chứng phổ biến trong và sau khi nhiễm SARS-CoV-2.
- Sức khỏe tâm thần và hành vi: COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ.
- Hội chứng viêm đa hệ ở trẻ em ( MIS-C) là một biến chứng hiếm gặp, thường xảy ra từ 2 đến 6 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2.
Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh đái tháo đường , bao gồm đi tiểu thường xuyên, tăng khát, tăng đói, giảm cân, mệt mỏi, đau dạ dày và buồn nôn hoặc nôn, đã được báo cáo ở một số trẻ em và thanh thiếu niên bị COVID-19.
Hồng Hạnh (TH)