1900.636.628

Điểm tin ngày 10/03/2022

Thời báo Tài chính Việt Nam có bài: Đề xuất thành lập trung tâm thời trang để định vị thương hiệu dệt may Việt Nam.

https://thoibaotaichinhvietnam.vn/de-xuat-thanh-lap-trung-tam-thoi-trang-de-dinh-vi-thuong-hieu-det-may-viet-nam-101445.html

Tại buổi họp báo với doanh nghiệp do Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh chủ trì ngày 8/3/2022, các doanh nghiệp dệt may, thêu đan kiến nghị đề xuất thành lập trung tâm thời trang để định vị thương hiệu dệt may Việt Nam phát triển thị trường trong nước.

Đại diện Hội May thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, thị trường tiêu dùng thời trang Việt Nam được một đơn vị nghiên cứu nước ngoài định giá 5 tỷ USD. Tuy nhiên, tại thị trường nội địa này, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước đang cạnh tranh rất khốc liệt với nhiều thương hiệu thời trang lớn của nước ngoài.

Theo bà Trần Hoàng Phú Xuân – Phó Chủ tịch Hội May thêu đan TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp dệt may hiện nay đang gặp khó khăn do giá nguyên vật liệu tăng cao. Trong đó, giá sợi cotton nhập khẩu trong 2 năm qua tăng 70%, nguyên phụ liệu trong nước sau dịch bệnh tăng 40%. Nguyên vật liệu ngành dệt may với tỷ lệ nội địa chỉ chiếm 40 – 50% nên doanh nghiệp chưa được hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, khó cạnh tranh về giá thành ở thị trường nước ngoài.

Các doanh nghiệp đề nghị TP. Hồ Chí Minh xây dựng chuỗi cung ứng và kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu để đưa những nguyên liệu mới vào ứng dụng, đồng thời có giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ở thị trường nội địa, trong đó có việc thành lập trung tâm thời trang.

Báo điện tử VOV News có bài: Những tiêu chí để COVID-19 trở thành bệnh lưu hành.

https://vov.vn/xa-hoi/tin-24h/nhung-tieu-chi-de-covid-19-tro-thanh-benh-luu-hanh-post929323.vov

Biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 cơ bản là 5K đến thời điểm này vẫn “giữ nguyên giá trị hiệu quả”. Giới chuyên gia cho rằng, ý thức bảo vệ bản thân trước tiên của người dân sẽ giúp phòng dịch hiệu quả, bên cạnh chiến dịch tiêm vaccine.

Thực tế, khi có ngày càng nhiều F0 không triệu chứng sẽ sinh tâm lý chủ quan và dễ mang mầm bệnh lây nhiễm cho nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, khiến hệ thống y tế quá tải và tỷ lệ tử vong tăng cao. Theo dự báo, dịch tại Việt Nam vẫn chưa lên tới đỉnh, do số ca mắc vẫn tiếp tục tăng cao không ngừng.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá: “Với bệnh tật, người dân không thể chủ quan, không thể đùa với sức khỏe, tính mạng của mình; phải nghiêm túc phòng dịch, nguyên tắc 5K vẫn phải thực hiện, bởi không ai biết được mình có bệnh nền gì, không ai biết được nếu bị nhiễm thì sẽ diễn biến thế nào, liệu có mắc không triệu chứng nặng hay bị tử vong không… Chúng ta không nên chủ quan, bởi bệnh có thể từ người trẻ khỏe mắc không triệu chứng nhưng khi lây sang người nhà, người ốm yếu sẽ rất nguy hiểm”.

Để COVID-19 trở thành bệnh lưu hành, phải có những tiêu chí nhất định như: Số ca mắc và tử vong ổn định hằng năm; Khả năng đáp ứng của hệ thống y tế; Tính miễn dịch cộng đồng (mắc tự nhiên, tiêm chủng); Tâm lý người dân đã chấp nhận bệnh như là bệnh thường trực…

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi COVID-19 là đại dịch và quan ngại về khả năng tiếp tục có thêm các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. WHO dự báo, biến chủng Omicron đang lây lan rất nhanh nên năm 2022 tình hình dịch còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, Omicron có tốc độ lây lan gấp 2 lần so với chủng Delta và gấp 5 lần so với chủng ban đầu.

Báo Sức khỏe và Đời sống có bài: Mắc Omicron có gặp di chứng hậu COVID-19?

https://suckhoedoisong.vn/mac-omicron-co-gap-di-chung-hau-covid-19-169220309185908884.htm

Theo giới khoa học, mắc COVID-19 từ Omicron ít gây viêm nên có thể không dẫn tới hội chứng hậu COVID. Tuy nhiên, không nên xem nhẹ Omicron vì biến thể này vẫn có thể gây bệnh nặng và tử vong.

COVID-19 có thể làm cho sức khoẻ bị suy giảm kéo dài dai dẳng. Theo nghiên cứu, khoảng 1/4 số người bị nhiễm virus corona SARS-CoV-2 tiếp tục có các triệu chứng kéo dài trong ít nhất một tháng, 1/10 trong số này vẫn không thấy khỏe lại sau 12 tuần, một số bệnh nhân rơi vào tình trạng cơ thể rất suy nhược. Những bệnh nhân bị nhiễm virus có bệnh cảnh kéo dài này được WHO xếp vào nhóm “COVID kéo dài” 

Omicron vẫn là biến chủng bí ẩn với giới khoa học, mặc dù ít gây bệnh nghiêm trọng hơn so với Delta, tuy nhiên dữ liệu sơ bộ cho thấy biến thể Omicron có thể gây ra bệnh nhẹ hơn nhưng số người vẫn có thể mắc bệnh nặng, cần nhập viện và có thể tử vong do nhiễm biến thể này. Bên cạnh dấu hiệu thay đổi so với Delta, người nhiễm virus biến thể Omicron cũng có nguy cơ bị các triệu chứng COVID kéo dài.

Hồng Hạnh (TH)

Thông tin liên hệ

Thông tin liên hệ