Điểm tin ngày 10/02/2022
Ảnh: Anh Tú
Báo điện tử Tri thức trực tuyến có bài: Số lượng F0 mới lần đầu vượt mốc 23.000 ca
https://zingnews.vn/so-luong-f0-moi-lan-dau-vuot-moc-23000-ca-post1295101.html
Theo thông tin tối 9/2 của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 23.956 ca nhiễm mới, trong đó có 3 người nhập cảnh và 23.953 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố.
Hà Nội tiếp tục là nơi ghi nhận số F0 nhiều nhất trong 24 giờ qua (2.949 ca). Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (118); Đông Anh (106); Long Biên (98); Chương Mỹ (96), Nam Từ Liêm (93). Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch lần thứ 4 (từ ngày 29/4/2021) là 160.022 ca.
Tại hội nghị giao ban đầu năm của ngành y tế Hà Nội, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị các giám đốc trung tâm y tế làm tốt công tác quản lý, theo dõi người mắc Covid-19 mức độ nhẹ tại nhà; phát thuốc đầy đủ, kịp thời đúng đối tượng để người dân an tâm, tin tưởng tránh bức xúc trong dư luận, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ chuyển tầng, chuyển viện giảm áp lực cho tuyến trên.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết số ca mắc Covid-19 mới tại Việt Nam tăng sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán là việc đã được dự đoán trước.
Nguyên nhân là việc giao lưu, đi lại của người dân đã tăng cao trong dịp này. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang thực hiện nới lỏng, thích ứng linh hoạt hơn với SARS-CoV-2.
“Điều cơ bản là chúng ta cần kiểm soát được lượng bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch cũng như ca tử vong do Covid-19 không tăng cao. Đồng thời, phải chú ý bảo vệ người cao tuổi, nhiều bệnh nền”, ông Phu nói thêm.
Theo các chuyên gia, với các thành phố lớn như TP.HCM, khi tỷ lệ tiêm chủng đã khá cao, lại vừa trải qua một đợt dịch lớn, khả năng lây lan virus cũng như bùng phát dịch ngay sau đó không nhiều. Tuy nhiên, người dân cùng chính quyền vẫn cần tuyệt đối cảnh giác.
Báo Tuổi trẻ có bài: Bộ GD-ĐT: Không bắt buộc tất cả học sinh xét nghiệm COVID-19.
https://tuoitre.vn/bo-gd-dt-khong-bat-buoc-100-hoc-sinh-xet-nghiem-covid-19-20220209212607488.htm
Ông Nguyễn Nho Huy cho biết tới thời điểm hiện tại, cả Bộ Giáo dục và đào tạo cùng Bộ Y tế không có văn bản nào quy định phải bắt buộc thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho 100% giáo viên, học sinh, sinh viên trước khi mở cửa trường học. Chỉ có quy định bắt buộc xét nghiệm COVID-19 với trường hợp nghi nhiễm.
Ông Huy cho rằng, việc cần thiết hiện nay là mỗi nhà trường phải chuẩn bị đủ trang thiết bị y tế để phòng dịch, trong đó kit xét nghiệm, để sử dụng khi có giáo viên, học sinh có biểu hiện ho, sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ. Khi xây dựng phương án xử trí, cần phải tính toán cho cả trường hợp có nhiều học sinh bị lây nhiễm để không lúng túng, thụ động.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho rằng việc tiêm phủ vắc xin phòng COVID-19, kiên trì thực hiện tốt thông điệp 5K, phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh với nhà trường, giữa ngành giáo dục và y tế trên cơ sở các phương án cụ thể của từng nhà trường được xây dựng mới là giải pháp bền vững có thể đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường.
Báo điện tử VTV News đưa tin: Miền Bắc ấm dần trước khi đón đợt không khí lạnh mới.
https://vtv.vn/xa-hoi/mien-bac-am-dan-truoc-khi-don-dot-khong-khi-lanh-moi-20220210011820448.htm
Hôm nay (10/2), Nam Bộ tiếp tục là nơi nắng mạnh và nóng nhất cả nước, chiều tối có thể xuất hiện mưa trái mùa. Miền Bắc trời sẽ đỡ rét hơn, nhiệt độ bắt đầu tăng dần.
Tại Thủ đô Hà Nội, mức nhiệt ngày 10/2 sẽ tăng thêm 2 độ, lên 17 độ C. Đến ngày 12/2 và 13/2, trời sẽ ấm hẳn nhờ có nắng, nhiệt độ có thể lên 20-22 độ C.
Trước khi tăng nhiệt vào trưa chiều 10/2, miền Bắc còn rét đậm nốt sáng sớm, có thể có sương mù kèm mưa phùn. Mưa ẩm nên rét càng ngấm, nhiệt độ thấp nhất ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố dưới 14 độ C. Vùng núi cao như Sa Pa, Đồng Văn chỉ 8-10 độ C.
S1959 (Tổng hợp)