Điểm tin ngày 08/05/2023
Ảnh: Anh Tú
Báo Điện tử VTVNews có bài: Những ngành nào có xu hướng tiếp tục cắt giảm lao động trong thời gian tới?
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, có gần 294.000 lao động phải nghỉ, giãn việc do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong 3 tháng đầu năm. Cả nước có gần 118.000 động bị mất việc tại các doanh nghiệp trong quý IV/2022. Sang quý I/2023, con số này không giảm đi mà tăng lên, với số lượng gần 149.000 người.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, thị trường lao động vẫn còn nhiều thách thức trong quý 2. Bên cạnh một số ngành tăng tuyển dụng thì sẽ có những nhóm tiếp tục sụt giảm việc làm. Dự báo các ngành may mặc sẽ tiếp tục giảm 38.100 việc làm; sản xuất giường tủ bàn ghế giảm 38.000; in, sao chép bản ghi các loại giảm 37.800 người…
Theo bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình trạng cắt giảm lao động diễn ra thời gian qua nguyên nhân chính do các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng. Tuy nhiên, khi cắt giảm lao động, doanh nghiệp sẽ thay thế lao động có tay nghề thấp, những lao động có trình độ cao sẽ được ưu tiên giữ lại bởi họ có thể đảm nhiệm cùng lúc nhiều công việc khác nhau.
Bà Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, để ứng phó với những biến động của thị trường lao động, người lao động cần nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó, cũng cần thấy rằng chính các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm trong việc đào tạo người lao động bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn.
Báo Hà Nội mới có bài: Nỗi lo ngộ độc thực phẩm gia tăng.
https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Suc-khoe/1063552/noi-lo-ngo-doc-thuc-pham-gia-tang
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4-2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc, trong đó có 1 người tử vong. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ ngộ độc với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán…
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc thực phẩm có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính. Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn và do các độc tố của vi khuẩn. Tiếp theo có thể kể đến ngộ độc thực phẩm do các loại hóa chất khác nhau như hóa chất bảo vệ thực vật, chất phụ gia, chất bảo quản… được đưa vào trong thực phẩm với mục đích cố tình hay vô ý. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm tự nhiên có chất gây độc như cá nóc, sắn, nấm độc… cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn tới ngộ độc thực phẩm.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm hiệu quả, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương phải tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất để đánh giá đúng thực tế trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Người tiêu dùng cần lựa chọn, mua và sử dụng những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác ở các cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm và nên tuân thủ việc “ăn chín, uống sôi”.
Báo Tiền Phong đưa tin: Đón gió mùa đông bắc, miền Bắc mưa kéo dài.
https://tienphong.vn/don-gio-mua-dong-bac-mien-bac-mua-keo-dai-post1532323.tpo
Sáng sớm nay (8/5), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu khắp khu vực Đông Bắc Bắc Bộ. Ngày hôm nay sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ, trời chuyển mưa dông diện rộng, nền nhiệt giảm sâu.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực phía Đông Bắc Bộ hôm nay nhiều mây, ngày có mưa rào và rải rác có dông, cục bộ có mưa to đến rất to, đêm giảm mưa. Trời chuyển mát. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C, vùng núi có nơi dưới 21 độ C. Nhiệt độ cao nhất 24-27 độ C, có nơi trên 27 độ C.
Hà Nội hôm nay nhiều mây, ngày có lúc có mưa rào và dông, đêm không mưa. Gió đông bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Trời chuyển mát. Nhiệt độ thấp nhất 22-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 25-27 độ C.
S1959