Điểm tin ngày 07/07/2022
Báo điện tử Công thương có bài: Ngành dệt may, da giày và nỗi lo chi phí: Bài 1: Đơn hàng tăng, lợi nhuận thấp.
Đơn hàng tăng cao nhờ đón được luồng dịch chuyển từ Trung Quốc giúp doanh nghiệp dệt may, da giày có thêm đà hồi phục sau 2 năm kiệt quệ bởi đại dịch.
Ngay từ đầu năm, hoạt động sản xuất tại các phân xưởng của Tổng Công ty May 10- CTCP (May 10) diễn ra hết sức sôi động. Vượt qua 2 năm liên tục trong trạng thái “đóng mở” để ứng phó với đại dịch Covid-19, các đơn vị của May 10 đều căng mình để kịp giao hàng theo hợp đồng đã ký kết.
Ông Thân Đức Việt- Tổng Giám đốc May 10, cho biết: Lượng đặt hàng đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn hàng như veston và sơ mi có đơn hàng đến hết quý III/2022.
Nguyên do khiến sản xuất của May 10 cũng như nhiều doanh nghiệp may mặc khác khởi sắc là sức mua đối với lĩnh vực thời trang tại các thị trường nhập khẩu lớn, như châu Âu, Nhật Bản đặc biệt là Mỹ… được bung nén sau thời một gian dài chịu tác động của đại dịch.
Với tình hình khả quan trên, trong nửa đầu năm 2022, dệt may tiếp tục là ngành có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng xuất khẩu. Ước kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, hàng may mặc đạt gần 7 tỷ USD, tăng hơn 19%, nhập khẩu toàn ngành ước đạt 13,44 tỷ USD. Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm, toàn ngành dệt may xuất siêu khoảng 8,86 tỷ USD.
Báo Người lao động có bài: Đừng lơ là với dịch bệnh!
https://nld.com.vn/ban-doc/dung-lo-la-voi-dich-benh-20220706204353947.htm
Tâm lý chủ quan, lơ là trước dịch bệnh nguy hiểm đang tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân khiến dịch bệnh diễn biến bất thường và phức tạp
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM, tính đến ngày 4-7, TP HCM ghi nhận hơn 21.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng hơn 181% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó ghi nhận 11 ca tử vong. Hiện có nhiều bệnh viện tuyến cuối tại TP HCM quá tải do bệnh nhân sốt xuất huyết dồn dập nhập viện.
Thực tế, tâm lý chủ quan, lơ là trước dịch bệnh nguy hiểm đang tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người dân khiến dịch bệnh diễn biến bất thường và phức tạp. Dù truyền thông liên tục cảnh báo về sự trỗi dậy nguy hiểm của nhiều dịch bệnh sau khi đại dịch Covid-19 tạm lắng nhưng dường như vẫn chưa tác động mạnh mẽ đến nhận thức, thói quen và hành vi của người dân.
Vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết và thuốc điều trị đặc hiệu chưa có, chỉ có thể phòng bệnh với một loạt giải pháp: tuyên truyền người dân diệt bọ gậy (lăng quăng) bằng cách loại bỏ nơi sinh sản và trú ngụ của muỗi; phòng chống muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ trong mùng kể cả ban ngày; phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan y tế tích cực phun hóa chất diệt muỗi…
Vì vậy, cần chia sẻ mạnh mẽ hơn những hình ảnh đáng sợ về dịch sốt xuất huyết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh, tăng cường mức phạt cùng các chế tài xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi xem thường sức khỏe cộng đồng… Đó chính là liều thuốc hữu hiệu đặc trị biểu hiện lơ là, chủ quan trước dịch bệnh! Xin hãy nhớ rằng lơ là với dịch bệnh sẽ phải trả giá đắt!
Trang thông tin điện tử tổng hợp có bài: Những điều cần làm khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức bị khai tử vào cuối năm 2022.
Năm 2022 là năm cuối cùng mà sổ hộ khẩu, sổ tạm trú còn giá trị sử dụng. Vậy người dân cần làm gì khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức bị khai tử?
Thời điểm sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức hết giá trị sử dụng
Theo khoản 3 Điều 38 của Luật Cư trú 2019 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2021), thì:
– Từ ngày 1/7/2021:
Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng
Không cấp mới Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú
Thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong các trường hợp có thay đổi thông tin.
– Từ ngày 1/1/2023:
Toàn bộ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng.
Theo đó, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho người dân sẽ chỉ còn được sử dụng đến ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023 mới là thời điểm chính thức khai tử sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Hồng Hạnh (TH)