Điểm tin ngày 06/05/2023
Báo Người lao động có bài: Lao động trẻ đối diện nhiều thách thức.
https://nld.com.vn/cong-doan/lao-dong-tre-doi-dien-nhieu-thach-thuc-20230505205415657.htm
Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết lao động thanh niên là một trong những bộ phận chính của lực lượng lao động với khoảng 10,8 triệu người (chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước), mang lại nguồn cung lao động dồi dào, trẻ, có nhiều tiềm năng. Chất lượng lao động thanh niên từng bước được cải thiện, trên 29,3% số thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, đóng góp tích cực thúc đẩy nâng cao chất lượng và năng suất lao động.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng chỉ ra một số hạn chế, thách thức đối với lao động trẻ hiện nay. Đó là một bộ phận thanh niên ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu; nhiều sinh viên thiếu các kỹ năng mềm, làm việc. Tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24, tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam; bình quân trong 10 thanh niên thì có 1 thanh niên bị thất nghiệp; số lao động trẻ đang làm việc hiện có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.
Báo Đầu tư có bài: Nguy hiểm khi lạm dụng An Cung để dự phòng và điều trị đột quỵ
https://baodautu.vn/nguy-hiem-khi-lam-dung-an-cung-de-du-phong-va-dieu-tri-dot-quy-d189090.html
Theo TS. Nguyễn Thị Thanh Mai, hiện nay có nhiều thông tin truyền miệng về tác dụng của An cung ngưu hoàng hoàn giúp phòng đột quỵ. Do đó rất nhiều người dân lạm dụng thuốc An Cung với mong muốn phòng đột quỵ mà không theo hướng dẫn của bác sĩ.
Cũng theo bác sĩ Mai chia sẻ, hiện nay không có bất cứ khuyến cáo nào của Bộ Y tế về sử dụng An Cung trong việc dự phòng đột quỵ não.
Bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, khi phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ, tuyệt đối không cho họ uống bất cứ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sỹ.
Có 3 dấu hiệu chính để nhận biết cơn đột quỵ. Thứ nhất, người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội.
Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo. Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.
Khi có dấu hiệu trên, việc đầu tiên người nhà cần làm là gọi cấp cứu 115. Trong khi đợi xe cấp cứu, người nhà sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể (để nếu bệnh nhân bị nôn đờm dãi, thức ăn sẽ không chui vào mũi, miệng và vào phổi người bệnh); mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp.
Báo điện tử VTVNews có bài: Nhiều loại hương liệu độc hại được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử.
Theo Bộ Y tế, những năm gần đây, tại Việt Nam xuất hiện nhiều sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Các sản phẩm này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.
Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Qua phản ánh của các cơ sở khám chữa bệnh, chữa bệnh và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy gần đây nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong sản phẩm thuốc lá này. Ngoài các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng còn có nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Công an với chức năng và nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông và ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
P.TT&TT (TH)