Điểm tin ngày 04/1/2022
Báo điện tử Đài Truyền hình Việt Nam có bài: Những công dân số của tương lai.
https://vtv.vn/giao-duc/nhung-cong-dan-so-cua-tuong-lai-20220103191808156.htm
Dịch COVID-19 mang đến những thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ cho học sinh, những công dân số của tương lai.
Năm 2021 là năm học đặc biệt với hơn 24 triệu học sinh , sinh viên và giáo viên trên cả nước. Chưa bao giờ trong lịch sử, học sinh Việt Nam phải nghỉ ở nhà dài ngày, phải hạn chế ra ngoài và không thể đến trường học trực tiếp như năm vừa qua. Từ những bỡ ngỡ ban đầu khi học trực tuyến, nhiều em giờ đây không chỉ thích ứng được hoàn cảnh mà còn tận dụng được lợi thế của công nghệ để học tập và rèn luyện các kỹ năng.
Tại trụ sở Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WIPO) ở Geneva, Thụy Sĩ, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, 3 thành viên trẻ của nhóm sáng chế “mũ cách ly di động” Vihelm đã được trao tặng danh hiệu Đại sứ giới trẻ Sở hữu trí tuệ của WIPO.
Các em chính là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ trẻ nhạy bén trong nắm bắt công nghệ, có kiến thức nền tốt và được đầu tư học ngoại ngữ từ sớm. Với nền tảng giáo dục đó, họ có thể trở thành người tiên phong trong việc tạo ra cái mới, nhanh nhạy nắm bắt các xu hướng, có khả năng chinh phục mục tiêu mình đề ra.
Báo điện tử VnExpress có bài: Việc bố mẹ cần làm để trẻ thông minh.
https://vnexpress.net/viec-bo-me-can-lam-de-tre-thong-minh-4411580.html
Não bộ của trẻ hoạt động tốt hơn nhiều nếu bố mẹ thường xuyên nói chuyện, tương tác với con mình.
Hai nhà khoa học người Mỹ Betty Hart và Todd Resley năm 1995 đã công bố nghiên cứu mang tên “The Thirty Million Word Gap” (Khoảng cách 30 triệu từ). Nghiên cứu kéo dài 2,5 năm, theo dõi 42 gia đình và ghi lại các cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con cái.
Kết luận cuối cùng là những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình nghèo, ở độ tuổi lên 4, sẽ nghe ít hơn 30 triệu từ tiếng Anh so với những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình giàu có hơn. “The Thirty Million Word Gap” cũng chỉ ra chỉ số thông minh của những đứa trẻ trong gia đình nghèo chỉ là 79, trong khi chỉ số này ở trẻ con nhà giàu là 117.
Theo hai nhà khoa học, để rút ngắn khoảng cách này, trẻ cần phải đọc sách nhiều hơn.
Các nhà nghiên cứu đã quan sát và dõi theo 30 đứa trẻ từ 4-6 tuổi sống tại Boston. Họ quét não của trẻ sau khi chúng trò chuyện với bố mẹ và xem lại các đoạn ghi âm khi trẻ ở nhà. Kết quả là, con cái càng nói chuyện thường xuyên với bố mẹ thì các khu vực liên quan tới ngôn ngữ trong não bộ của trẻ hoạt động càng mạnh mẽ.
Điều này không hề liên quan tới độ giàu nghèo hay học vấn của cha mẹ. Hơn nữa, hoạt động của não bộ cũng không liên quan đến việc trẻ nghe được bao nhiêu từ mà đó là tương quan chặt chẽ với số lượng các cuộc nói chuyện với bố mẹ. Những đứa trẻ được thường xuyên trò chuyện với bố mẹ cũng có xu hướng đạt điểm học tập cao hơn.
Theo nghiên cứu, để lấp đầy “khoảng cách 30 triệu từ”, bố mẹ nên đọc nhiều sách cho trẻ nghe, giao tiếp nhiều hơn với con cái trong cuộc sống hàng ngày. Việc làm này tác động rất lớn đến sự phát triển não bộ và trí thông minh của trẻ.
Báo Tin tức có bài: Cẩn trọng với việc tự mua thuốc phòng, điều trị COVID-19 trên mạng.
Trên mạng xã hội đang tràn lan nhiều loại thuốc được quảng cáo phòng và điều trị COVID-19. Các bác sĩ khuyến cáo người dân nên tỉnh táo, không tự ý dùng thuốc, tránh “tiền mất tật mang”.
“Ăn theo” tâm lý nhiều người dân đang “săn lùng” mua thuốc phòng và điều trị COVID-19 để dự trữ sẵn khi dịch bệnh lan rộng; trên các trang mạng, mạng xã hội đang “nở rộ” việc buôn bán các loại thuốc được quảng cáo là hàng “xách tay” từ các nước Nga, Trung Quốc… về. Đặc biệt, những người bán tự hướng dẫn người dân cách sử dụng.
Với việc mua bán tràn lan trên mạng, người dân không quá khó để mua được các loại thuốc phòng và điều trị COVID-19, chỉ cần chi tiền là có thuốc. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là các loại thuốc này do người bán tự hướng dẫn, tự kê liều… người dân không hiểu gì nhưng vẫn uống. Chưa kể, “ăn theo” nhu cầu của người dân, gần đây rất nhiều sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.
S1959 (Tổng hợp)