Điểm tin ngày 02/03/2022
Ảnh: Anh Tú
Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin: “Cảnh giác chiêu lừa gọi điện cấp, xác thực tài khoản định danh điện tử”
Chỉ vài ngày sau khi Bộ Công an triển khai trên phạm vi cả nước về việc cấp tài khoản định danh điện tử, đã xuất hiện những kiểu lừa đảo với chiêu bài kiểm chứng thông tin.
Theo Bộ Công an, tài khoản định danh điện tử gồm tên đăng nhập là mã số định danh cá nhân và mật khẩu đã được Bộ Công an cung cấp, xác thực qua hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đã có không ít người sập bẫy do các đối tượng lừa đảo nói chính xác thông tin về tên, tuổi, địa chỉ và số CCCD.
Một khi thông tin cá nhân và mã OTP được cung cấp cho kẻ xấu, toàn bộ số tiền đang có trong tài khoản có thể sẽ bị chiếm đoạt chỉ sau vài phút.
Động tác đơn giản nhất mỗi người đều làm được để tự bảo vệ mình là chủ động dừng cuộc gọi trong trường hợp nghi ngờ dấu hiệu lừa đảo. Tuyệt đối không cung cấp mã OTP. Lưu số điện thoại của cơ quan công an tại địa phương để ứng phó linh hoạt trong mọi tình huống.
Công dân có nhu cầu cấp tài khoản định danh điện tử sẽ đăng ký với cán bộ công an cấp huyện (cán bộ tiếp nhận giấy tờ làm CCCD gắn chíp).
Trường hợp muốn đăng ký tích hợp các thông tin hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia các giấy tờ như giấy phép lái xe, đăng ký xe, BHXH, BHYT… công dân cần mang thêm các loại giấy tờ gốc để đối chiếu.
Về quy trình đăng ký tài khoản định danh điện tử, khi công dân đến cơ quan Công an quận/huyện/tỉnh/thành phố làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD gắn chip thì có thể thực hiện đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử theo các bước được hướng dẫn.
Báo Lao động Online có bài viết: “Đau họng, rét, mệt mỏi… là biểu hiện sớm của mắc COVID-19?
Khi bạn bị virus SARS-CoV-2 xâm nhập, hệ thống miễn dịch cơ thể sẽ chiến đấu với virus và biểu hiện bằng các triệu chứng. Cần hiểu rõ cơ chế của các triệu chứng này để có cách ứng phó phù hợp.
Một số người mắc COVID-19 với ít triệu chứng, trong khi nhiều người khác gặp các biểu hiện nặng hơn. Các triệu chứng điển hình là sốt, ho, mệt mỏi, thở hụt hơi, mất mùi hoặc vị, đau đầu, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi…
Ngoài ra, người bệnh còn có thể mắc các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
– Sốt, chính là cơ thể đang chiến đấu với virus. Nếu sốt nhẹ, không quá ảnh hưởng đến cơ thể, thì cũng chưa cần thực hiện các biện pháp hạ sốt. Ở những người miễn dịch kém (dùng thuốc ức chế miễn dịch) thì hầu như không sốt.
– Ho, hắt hơi… cũng là những phản xạ nhằm đẩy các chất độc hại ra khỏi cơ thể.
– Đi lỏng: Tương tự như các triệu chứng trên, vẫn là để tống khứ các chất độc hại ra ngoài.
Một số người còn thấy tức ngực, khó thở nhưng SpO2 vẫn 98-99%, đó là do tâm lý.
– Đau đầu, váng đầu, nhức mắt, ù tai, cảm giác bồng bềnh: thường do thiếu máu lên não kết hợp với độc tố của virus.
– Mất khứu giác (ngửi mùi), vị giác: do tổn thương các tế bào thần kinh đệm có chức năng dẫn truyền xung động thần kinh, còn các tế bào khứu giác, vị giác lại không bị ảnh hưởng. Tùy người mà có thể mất khứu giác/vị giác hoặc không. Ăn uống ngủ nghỉ tốt sau COVID-19, tập hít các mùi vị, ăn các món ăn quen thuộc và tưởng tượng bằng trí óc, thường sau khoảng 4-6 tuần thì khứu giác và vị giác trở lại bình thường.
– Chảy nước mũi: do độc tố làm tăng tính thấm thành mạch, làm xung huyết các mạch máu trong mui, khiến nước mũi chảy ra nhiều hơn.
– Các mạch máu nhỏ xung huyết: Một số sẽ bị mắt đỏ, một số thì xì mũi hoặc ho ra một chút máu, do các mạch máu nhỏ bị vỡ ra. Nhìn chung không đáng ngại và thường tự hết.
– Một số người thần kinh yếu, sa sút trí tuệ… có thể rơi vào trạng thái mất tỉnh táo, lú lẫn, lơ mơ…
Trang Điện tử Phunutoday có đưa tin: “F0 muốn nhanh khỏi, ngừa di chứng cần kiêng ăn 3 thứ: Chuyên gia liệt vào ‘danh sách đỏ’ cấm tuyệt đối
Chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Lisa Valente đã liệt kê những thực phẩm F0 nên ăn, đồng thời trả lời cho câu hỏi F0 không nên ăn gì.
* Một số quy tắc cần nhớ về dinh dưỡng
Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Uống nước rất quan trọng nếu bạn bị ốm, đặc biệt là khi bạn bị sốt. Sốt có thể khiến bạn đổ mồ hôi. Hoặc nếu bạn bị tiêu chảy, bạn cũng sẽ bị mất nước nhiều hơn. Hãy cố gắng uống nhiều nước, dưới đây là các lựa chọn được chuyên gia Valente khuyên dùng: nước;
trà với mật ong; nước canh; nước ép trái cây; đồ uống điện giải
Dinh dưỡng quan trọng, nhưng calo cũng quan trọng
Cơ thể bạn cần calo để cung cấp năng lượng giúp chống lại nhiễm trùng. Một số chất dinh dưỡng – bao gồm protein, vitamin A, C, D và E và kẽm – giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch.
* F0 không nên ăn gì?
– F0 sau khi điều trị Covid-19 không nên ăn các thực phẩm có nhiều cholesterol như: nội tạng động vật, óc… Nên ăn ít nhất 3 bữa cá/1 tuần, 3 quả trứng/1 tuần và uống thêm sữa từ 1-2 cốc/ngày.
– Không ăn mặn và các loại thực phẩm có nhiều muối như giò, chả, xúc xích, đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối chua…
– Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas. Không nên uống nước trước hoặc trong bữa ăn.
S1959 (Tổng hợp)