Điểm tin ngày 01/11/2022
Báo điện tử VTVNews có đưa tin: Điểm sáng kinh tế 10 tháng đầu năm.
https://vtv.vn/kinh-te/diem-sang-kinh-te-10-thang-dau-nam-20221101001852026.htm
Tiếp tục đà phục hồi là điểm nhấn toát lên từ các số liệu kinh tế khi các số liệu tháng 10 tiếp tục đóng góp đáng kể vào mức tăng đó. Trước tiên, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 10 tháng ước tăng 9% so với cùng kỳ, mà trong đó ngành chế biến chế tạo vẫn có mức tăng vượt trội. Lực cầu cũng tiếp tục cải thiện rõ nét khi mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng ước đạt 4.643,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,2% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều duy trì đà tăng so với cùng kỳ. Nếu xuất siêu 10 tháng lên tới 9,4 tỷ USD, thì riêng con số tháng 10 đã chiếm tới gần ¼ số đó.
Trong bối cảnh đó, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 10 tháng được kiểm soát ở mức tăng 2,89% so với cùng kỳ, đảm bảo mục tiêu cả năm sẽ dưới mức 4%.
Đó là những con số cho thấy nội lực của nền kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay, chắc hẳn nền kinh tế cũng không tránh khỏi những thách thức và áp lực.
Cụ thể, khảo sát trên 1000 người dân đến từ một vài nền kinh tế lớn trong EU đã chỉ ra cứ 10 người thì tới 4 người đã giảm thiểu chi tiêu của họ đối với những mặt hàng không phải là thực phẩm – tức là không thiết yếu bằng thực phẩm. Lòng tin của người tiêu dùng tại Đức, kinh tế đầu tàu EU cũng giảm 22%, còn tại Pháp là 10%.
Với những áp lực từ sự suy yếu trong nhu cầu tiêu dùng từ 2 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, đại diện Tổng cục Thống kê cũng thừa nhận, những con số kinh tế 10 tháng của nền kinh tế cũng bắt đầu cho thấy những tín hiệu cần lưu tâm.
Báo điện tử Dân trí có đưa tin: Hà Nội: Gần 10.000 ca sốt xuất huyết, nguy cơ tăng ca nặng, tử vong.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh. Trong tuần 42 ghi nhận 1.420 ca, tuần 43 ghi nhận 1.205 ca. Cộng dồn năm 2022 có 9.747 ca mắc, 12 ca tử vong.
Số ca mắc năm 2022 tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ 2021 và tăng 2 lần so với trung bình cùng kỳ 5 năm.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh trên người với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn diễn ra vào 31/10, ông Vũ Cao Cương – Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định: “Bệnh sốt xuất huyết Dengue trên bình diện chung cả nước số ca mắc đang tăng nhanh, diễn biến phức tạp. Số ca mắc tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố miền Nam. Tại Hà Nội, qua theo dõi nhiều năm, số ca mắc sốt xuất huyết thường đạt đỉnh vào các tuần đầu tháng 11”.
Cũng tại Hội nghị, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, thành phố đã có dự báo từ sớm, từ xa về dịch sốt xuất huyết, từ đó có những chỉ đạo kịp thời.
Tuy nhiên, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cùng nhân dân cần quyết liệt hơn nữa, chú trọng diệt bọ gậy, diệt muỗi, đảm bảo xử lý dứt điểm ổ dịch kéo dài và phát hiện ổ dịch sớm, điều này rất quan trọng để hạn chế dịch bệnh.
Báo điện tử Vietnamnet có bài: Các thói quen hủy hoại bộ não.
https://vietnamnet.vn/cac-thoi-quen-huy-hoai-bo-nao-2075556.html
Sức khỏe của bộ não rất quan trọng đối với mọi hoạt động của chúng ta trong cuộc sống. Từ năng suất lao động và suy nghĩ đến trí nhớ và kỹ năng phối hợp đều chịu sự tác động của bộ não.
Lối sống đóng một vai trò rất lớn trong hoạt động của não bộ. Có một số thói quen xấu hằng ngày mà nhiều người mắc phải có thể tác động tiêu cực đến bộ não.
WHO cho biết mặc dù chứng sa sút trí tuệ chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn tuổi nhưng đó không phải là hậu quả tất yếu của quá trình lão hóa. Cách chúng ta sống hằng ngày có tác động đến nguy cơ sa sút trí tuệ.
Theo Giáo sư Khoa học Thần kinh Hana Burianova những thói quen như: Quá ít vận động, Ngủ quá ít, Căng thẳng kinh niên, Chế độ ăn uống kém, Ít giao tiếp xã hội, hay Tinh thần trì trệ… đều tác động xấu tới bộ não của chúng ta.
P.TT&TT (TH)