Điểm tin ngày 01/04/2023
Báo điện tử VTVNews có bài: OECD: Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.
Theo báo cáo mới công bố ngày 31/3 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% năm 2023 và 6,6% năm 2024.
Kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng như vậy là nhờ động lực chính là đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế tạo, nhất là điện tử, chế tạo máy, dệt may và giày dép.
Với tốc độ tăng trưởng trên, Việt Nam sẽ tiếp tục dẫn đầu top 5 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.
Báo cáo của OECD nhan đề “Triển vọng kinh tế Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ năm 2023: Phục hồi du lịch sau đại dịch” cho rằng việc kết thúc các chương trình hỗ trợ sau dịch COVID-19 sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam cải thiện tình hình tài chính công, nhưng nhu cầu yếu hơn có thể sẽ làm giảm bớt đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo cũng khuyến nghị cần phải tiếp tục giám sát chặt xu hướng lạm phát.
Báo Đầu tư có bài: Hiểm hoạ từ ma túy thế hệ mới, thuốc lá điện tử.
https://baodautu.vn/hiem-hoa-tu-ma-tuy-the-he-moi-thuoc-la-dien-tu-d186728.html
- Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ma túy thế hệ mới hiện nay có nhiều chất độc, tác động nguy hiểm tới sức khỏe, có thể biến người trẻ tuổi thành người cao tuổi.
Theo đại diện của Bệnh viện Bạch Mai, thuốc lá điện tử là cái nôi chứa chấp chất ma túy mới hiện nay. Sở dĩ như vậy là do thuốc lá điện tử có hàm lượng nicotin rất cao so với thuốc lá truyền thống. Đây là một loại ma túy có những chất độc với thần kinh, tim mạch, tâm thần, gây nghiện.
Các nghiên cứu lớn trên thế giới với hàng nghìn trẻ em cho thấy, thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ sử dụng thuốc lá truyền thống. Trong thuốc lá điện tử có nhiều thành phần khác là các loại hóa chất.
Nếu không ngăn chặn việc thuốc lá điện tử hệ lụy tương lai sẽ lớn vô vùng. Đến một ngày nào đó, chúng ta sẽ có thống kê bùng nổ vụ ngộ độc hàng loạt chất mới nổi. Một loạt căn bệnh mới nổi chưa từng có, sẽ xuất hiện ở nhiều năm sau. Nếu không ngăn chặn sớm, ma túy sẽ len lỏi vào trường học, vào hệ thống luật lệ, quy định, thành thói quen của xã hội thì chúng ta rất dễ bỏ qua.
Báo Điện tử Đài truyền hình Việt Nam có bài: Chủ động phòng, chống bệnh tay chân miệng.
https://vtv.vn/suc-khoe/chu-dong-phong-chong-benh-tay-chan-mieng-20230331225629377.htm
Theo bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Bệnh tay chân miệng lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng tại Việt Nam là bệnh lưu hành quanh năm, thường ghi nhận số mắc cao vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và 9-11.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh tay chân miệng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Bệnh thường diễn biến lành tính và hồi phục sau 5 – 10 ngày. Tuy nhiên một số trường hợp bệnh diễn biến nặng, có tổn thương viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện, xử trí kịp thời. Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, các biện pháp phòng bệnh là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường hạn chế lây lan.
P.TT&TT (TH)