1900.636.628

Điểm tin 27/06/2023

Báo Dân trí có bài: Điện thoại thông minh cướp giấc ngủ người Việt.

https://dantri.com.vn/suc-khoe/dien-thoai-thong-minh-cuop-giac-ngu-nguoi-viet-20230622174810220.htm

Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang mỗi ngày tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân đến khám vì bị mất ngủ. Con số này tăng cao hơn hẳn so với 2 năm trước đây.

Theo BSCKII Đoàn Văn Phúc – Trưởng khoa Thần kinh, các bệnh nhân tiếp nhận ở mọi lứa tuổi nhưng có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa. 

Một thói quen chung của hầu hết các ca bệnh là lên giường vẫn chưa chịu ngủ ngay mà phải tiếp tục xem điện thoại, BS Phúc cho hay.

Không chỉ dừng lại ở giới trẻ, đồ công nghệ cũng đang “đánh cắp” giấc ngủ của nhiều người ở độ tuổi trung niên, người già.

Đáng nói đồ công nghệ không chỉ “đánh cắp” thời lượng của giấc ngủ mà còn khiến chất lượng của giấc ngủ bị suy giảm đáng kể.

Giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe toàn diện của con người. Giấc ngủ đủ giờ và đủ chất lượng có thể giúp cải thiện trí nhớ, tăng khả năng tập trung, giảm stress và lo âu, cải thiện tâm trạng và giảm nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và bệnh tăng huyết áp.

Nếu không có đủ giấc ngủ, cơ thể sẽ không được phục hồi và tái tạo đủ năng lượng. Điều này có thể gây mệt mỏi, suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể và não bộ.

Báo Vietnamnet có bài: Căn bệnh đang ‘gõ cửa’ từng nhà: 3 thủ phạm cần tránh.

https://vietnamnet.vn/can-benh-tieu-duong-dang-go-cua-tung-nha-3-thu-pham-can-tranh-2158248.html

Ở Việt Nam, đái tháo đường đang “gõ cửa” từng nhà, chạm tay từng người. Khi mắc đái tháo đường, tuổi thọ suy giảm từ 10-15 năm tùy theo biến chứng. Đặc biệt, nguy cơ tử vong của bệnh nhân đái tháo đường khi mắc thêm các bệnh truyền nhiễm khác đều tăng lên.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa khám và tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng quốc gia, đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa đường, gây tăng đường huyết mãn tính kèm theo rối loạn chuyển hóa lipid, protid và điện giải. Hậu quả muộn của các rối loạn chuyển hóa này là tổn thương các vi mạch, các mạch máu nhỏ và mạch máu lớn dẫn tới các tai biến như đã nêu ở trên thậm chí có thể tử vong.

Hiện, mô hình bệnh tật thay đổi do lối sống khác biệt. Nhiều bệnh mãn tính không lây liên quan tới dinh dưỡng tăng lên trong đó có đái tháo đường. Những thủ phạm gây đái tháo đường gồm: Béo phì; Tiêu thụ quá ít rau xanh; Lười vận động.

Bác sĩ tư vấn cho người bệnh quản lý lối sống cho bệnh nhân theo liệu pháp dinh dưỡng y học như ăn uống, sử dụng thực phẩm an toàn… người bệnh phải tuân thủ điều trị. Người bệnh tuân thủ điều trị dinh dưỡng có thể giảm 90% phải dùng thuốc insulin.

Lưu ý, chế độ ăn cho người đái tháo đường không phải chế độ ăn kiêng mà là chế độ ăn lành mạnh. 

Báo điện tử VTVNews có bài: Phòng tránh viêm họng cho trẻ mùa nắng nóng.

https://vtv.vn/suc-khoe/phong-tranh-viem-hong-cho-tre-mua-nang-nong-20230626224922846.htm

Viêm họng cấp tính là tình trạng niêm mạc họng của trẻ bị sưng nề một cách nhanh chóng.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, nguyên gây viêm họng cấp tính có thể do vi khuẩn, virus, vi nấm hoặc tác động của môi trường như nóng, lạnh đột ngột…

Các thói quen mùa hè làm cho trẻ dễ bị viêm họng cấp

– Ăn hoặc uống đồ uống quá lạnh như kem, nước đá…

– Đi bơi ở các bể bơi có nước không được đảm bảo vệ sinh

– Sử dụng quạt và điều hòa không đúng cách: Quạt thẳng vào mặt khi nằm trong phòng điều hòa hoặc khi cơ thể đang ra mồ hôi nhiều.

Một số cách cha mẹ nên áp dụng để phòng tránh viêm họng cho trẻ

– Hạn chế cho trẻ ăn uống đồ quá lạnh.

– Sử dụng điều hòa hợp lý: Không để nhiệt độ quá thấp, tránh luồng không khí lạnh phả trực tiếp vào người trẻ. Khi ngủ trong phòng điều hòa nên đắp cho trẻ một chiếc chăn mỏng hoặc quàng khăn mỏng để giữ ấm vùng cổ cho trẻ.

– Hạn chế đi bơi hoặc lựa chọn các bể bơi đảm bảo vệ sinh.

– Vệ sinh răng miệng sạch sẽ và súc họng bằng nước muối ấm.

– Cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng và cho trẻ ăn uống các loại thực phẩm chứa nhiều Vitamin C để nâng cao sức đề kháng.

Khi trẻ bị viêm họng cấp, sốt cao, nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ vì bệnh sẽ không khỏi mà đôi khi còn gây nguy hiểm, đặc biệt làm cho vi khuẩn kháng thuốc, nếu trẻ bị bệnh tái lại thì rất khó điều trị.

P.TT&TT (TH)

Thông tin liên hệ

Thông tin liên hệ